Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo lãnh đạo UBND TP về tình hình thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài.
Theo Xây dựng, vào tháng 12/2024, UBND TPHCM đã có quyết định giao sở nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông là đơn vị được đề xuất làm chủ đầu tư.
Đây là dự án thuộc nhóm A, có quy mô và ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận.
Tuyến đường có điểm đầu tại cầu vượt quốc lộ 1 trên đường Võ Văn Kiệt hiện hữu, điểm cuối tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, tiếp giáp với dự án ĐT.823D (tỉnh Long An).
Đoạn đường Võ Văn Kiệt (giao với quốc lộ 1) hiện hữu. Ảnh: Hữu Huy
Dự án được chia làm ba đoạn: đoạn 1 dài 2,7km từ quốc lộ 1 đến đường Võ Trần Chí; đoạn 2 dài 6,6km từ Võ Trần Chí đến đường Vành đai 3 TPHCM; đoạn 3 dài 5,3km từ Vành đai 3 TPHCM đến ranh giới tỉnh Long An.
Đáng chú ý, đoạn 1 từng được đầu tư theo hình thức BOT nhưng TPHCM đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư vào tháng 11/2024 để tái cấu trúc lại dự án.
Trong các đoạn còn lại, thành phố dự kiến xây dựng hàng loạt công trình lớn như sáu cây cầu vượt sông (trong đó có cầu Cái Trung, Hưng Nhơn, Láng Le Bàu Cò và cầu kênh An Hạ - Xáng An Hạ), cũng như nút giao khác mức với đường Vành đai 3 gồm cầu vượt, các nhánh rẽ và hầm chui.
Về quy mô đầu tư dự kiến, dự án có quy mô mặt cắt ngang 60m, vận tốc 80km/h cho làn xe cơ giới và 60km/h cho làn xe hỗn hợp. Địa điểm thực hiện trên địa bàn các xã Tân Kiên, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Hiện TPHCM đang cân nhắc hai phương án đầu tư cho dự án này. Phương án 1 là đầu tư toàn tuyến dài 14,6km với tổng mức đầu tư hơn 19.397 tỷ đồng. Phương án 2 tập trung đầu tư đoạn từ đường Vành đai 3 TPHCM đến ranh giới tỉnh Long An (dài 5,3km), với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Dự án này không chỉ góp phần hoàn thiện trục giao thông Đông - Tây, giảm tải áp lực cho quốc lộ 1 và các tuyến đường hiện hữu, mà còn là đòn bẩy kết nối liên vùng giữa TPHCM với Long An và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mở ra dư địa phát triển cho khu vực phía Tây thành phố.
Hữu Huy