TPHCM: Chung tay chăm sóc trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt

TPHCM: Chung tay chăm sóc trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt
3 giờ trướcBài gốc
Là địa phương có tổng số dân đông nhất cả nước, lượng người nhập cư nhiều, TPHCM gặp không ít khó khăn trong triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu (DL) về dân cư, định danh (ĐD) và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06). Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, TPHCM đã từng bước hoàn thành các chỉ số trong hệ thống DL quốc gia về dân cư. Trong đó, không thể không nhắc đến Kế hoạch (KH) 1878 ngày 20/4/2023 của Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án 06 TPHCM, KH405/KH-HĐND được ký kết giữa Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TPHCM (HĐNDTP), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thành phố (TP), Sở Tư pháp TP, Công an TPHCM (CATP), Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP, Công đoàn viên chức TP. Thực hiện tốt những KH này đã góp phần không nhỏ vào việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TPHCM.
Các cơ quan, ban ngành vào cuộc
Ngày 20/4/2023, BCĐ thực hiện Đề án 06 TPHCM ban hành KH1878 về phối hợp thực hiện công tác thu thập DL dân cư, cấp định danh (ĐD) cá nhân, giải quyết cư trú và cấp căn cước công dân (CCCD) đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP. Ngay sau đó, CATP với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án 06 đã lập tức triển khai công tác rà soát nhân khẩu, khai thác, thu thập thông tin dân cư (DC) và tiến hành các biện pháp xác minh, xác định thông tin DC đặc biệt. Công việc được triển khai nhanh chóng, quyết liệt với kết quả đạt được vô cùng khả quan. Riêng đối với nhóm trẻ em, thanh thiếu niên (TTN, 16 - 18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn, TPHCM có KH405/KH-HĐND được ký kết giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐNDTP, Sở LĐ - TB&XH TP, Sở Tư pháp TP, CATP, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP, Công đoàn viên chức TP trong triển khai KH tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy khai sinh (GKS), mã số định danh (MSĐD), đăng ký cư trú (ĐKCT) và căn cước (CC) đối với nhóm này.
Thượng tá Đậu Ngọc Thuận, Phó trưởng Phòng CSQLHC về TTXH - Công an TPHCM, trao quà cho các bé
Sự vào cuộc của các ban ngành đã góp phần đẩy nhanh tốc độ cấp giấy tờ tùy thân cho nhóm đối tượng đặc biệt trên. Theo báo cáo của Ban Văn hóa - Xã hội HĐNDTP, tổng số trẻ em, TTN (16 -18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương trên địa bàn TP theo danh sách là 575 trường hợp. Qua rà soát đang thực tế cư trú trên địa bàn TP 445/575 trường hợp. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền TP đã giải quyết cấp GKS cho 376/445 trường hợp, chiếm 84,5%. Trong đó, cấp số ĐD cá nhân 368/376 trường hợp, chiếm 98%; giải quyết cư trú 368/368 trường hợp, đạt 100%; ĐK thường trú: 202/368, chiếm 54,9%; vận động cấp CCCD/CC: 161/368, chiếm 23,443%. Hiện còn 69/445 trường hợp chưa cấp GKS, chiếm 15,5%; 12/22 đơn vị quận, huyện đã giải quyết, 10 quận, huyện còn lại chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2 - Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATP, cho biết: Để đi tới được ngày hôm nay là sự vào cuộc của tất cả các sở, ban ngành TPHCM bởi hành trình tìm lại ĐD cho những hoàn cảnh đặc biệt cực kỳ khó khăn. Lúc mới bắt đầu, công việc này đúng nghĩa như "mò kim đáy bể" do việc xác định nhân thân của nhân khẩu đặc biệt gặp rất nhiều trở ngại như: họ không có nơi cư trú nhất định, không nhớ thông tin, thông tin không chính xác... Lúc đó ngành Tư pháp sử dụng nghiệp vụ của ngành này kết hợp với ngành Công an (CA) sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của CA lần tìm từ những manh mối mong manh nhất. Đến khi có thông tin rồi thì đến việc thu thập thông tin sinh trắc học như hình ảnh, vân tay, mống mắt... cũng gặp không ít khó khăn, nhất là với những trẻ bại não, bệnh nhân tâm thần... có khi 3-4 chiến sĩ tập trung cả tiếng đồng hồ mới thu thập được thông tin sinh trắc học của 1 trường hợp. "Với quyết tâm nghề nghiệp, niềm đam mê công việc và lòng trắc ẩn giữa người với người, chúng tôi đã cố gắng từng ngày để mang lại giấy tờ tùy thân cho các bé”, Trung tá Châu chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Phòng CSQLHC về TTXH - Công an TPHCM thu thập dữ liệu cấp căn cước cho trẻ khuyết tật
Niềm vui nối tiếp niềm vui
Ngày 26/10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐNDTP, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP và Công đoàn viên chức TP đã phối hợp tổ chức Chương trình gặp gỡ, kết hợp chăm lo cho các nhóm trẻ em và TTN có hoàn cảnh đặc biệt được rà soát, xem xét giải quyết về GKS, MSĐD, ĐKCT, CCCD trên địa bàn TPHCM. Chương trình có sự phối hợp của Sở LĐ - TB&XH TP, Sở Tư pháp TP, CATP, Tổ chức Save the Children International. Khách mời là 150 trẻ em, TTN có hoàn cảnh đặc biệt cùng đại diện 10 cơ sở trợ giúp trẻ em.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐNDTP, xúc động chia sẻ: "Đây là chương trình thiết thực, thể hiện sự quan tâm của các sở, ban ngành TPHCM đối với nhóm trẻ em và TTN có hoàn cảnh đặc biệt. Với quyết tâm cao và những phần việc cụ thể cùng sự nỗ lực không ngừng nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các em, phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của chính quyền TPHCM đã, đang và sẽ được thực hiện một cách triệt để...".
Bé Huệ Hy ở Mái ấm Tâm Đức, Q4 phấn khởi nhận quà
Trong khuôn khổ chương trình, các đơn vị tổ chức đã trao gói hỗ trợ cho đại diện 10 cơ sở trợ giúp trẻ em với nhiều quà tặng thiết thực như: tivi, bàn học, máy lọc nước nóng lạnh, loa di động, quạt, máy tính... phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Tổng gói hỗ trợ trị giá 600 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình cũng tặng 445 phần quà cho 445 trẻ em, TTN có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TPHCM, mỗi phần quà trị giá trên 750.000 đồng, bao gồm dụng cụ học tập, sữa.
Bé Trần Tâm Huệ Hy (SN 2019) được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Mái ấm Tâm Đức, Q4, đang buồn vì "chưa được đi thăm chú voi trong Thảo cầm viên (TCV)" háo hức nhận quà từ tay Thượng tá Đậu Ngọc Thuận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - CATP, rồi giơ 2 bàn tay nhỏ xíu lên làm kính tạo dáng chụp hình. Cô bảo mẫu của Hy cho biết, được tham gia chương trình này, bé vui lắm. Sáng ra, Hy dậy sớm, tự thay quần áo, làm vệ sinh cá nhân, chờ đi với mẹ và các anh chị cùng mái ấm đến TCV. Cô cho biết Hy bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, được mái ấm nhận nuôi. Các mẹ đặt tên con là Hy có nghĩa là hy vọng cuộc đời con sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc.
Cách Hy 2 hàng ghế, Trần Ngọc Bích Trân (SN 2007, được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè) chăm chú nhìn lên sân khấu với ánh mắt lấp lánh. Mới được cấp CC, Trân cho biết: "Con có gia đình nhưng do hoàn cảnh khó khăn, con lại bị liệt nửa người nên được gửi vào trung tâm từ khi còn bé xíu". Được sự chăm sóc tận tình của các mẹ trong trung tâm, hiện Trân đã đi lại được, đang học lớp 7 và nhiều năm liền là học sinh xuất sắc. Trân tâm sự: "Được tham dự chương trình thế này và xem ca nhạc, giao lưu với các bạn cùng trang lứa từ những mái ấm, trung tâm khác, con vui lắm".
Các bé rất vui khi được ngồi xe điện dạo quanh Thảo cầm viên
Anh Lê Văn Tùng, quản lý Trường tình thương La San Q7, không đưa theo các bé do các con bận học, đã xúc động bày tỏ: Chương trình có ý nghĩa to lớn đối với những hoàn cảnh đặc biệt, bởi trường anh có 1 trường hợp không thể làm CC trong khi con đang học lớp 12, chuẩn bị vào đại học. Nhờ chương trình, con đã được làm CC và nay con đã là sinh viên năm nhất đại học. Theo anh Tùng, không chỉ học hành mà ngay việc mua bảo hiểm y tế cho các con cũng cần phải có CC. Việc giải quyết cấp giấy tờ tùy thân cho các con của chương trình tạo điều kiện cho các con rất nhiều, nhất là trong việc hưởng các chính sách an sinh xã hội.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bị cắt ngang do chương trình kết thúc, Ban tổ chức đưa các bé tham quan TCV và tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác. Nhìn các con háo hức xếp hàng lên xe điện, bạn nào cũng lí lắc, vui vẻ, chúng tôi hiểu ngày cuối tuần này, niềm vui của các con được nhân đôi bởi không chỉ có được giấy tờ tùy thân, mà các con còn được vui chơi, giải trí - nhu cầu mà phần lớn trẻ cùng trang lứa với các con đều được hưởng, nhưng đối với các con lại là điều khá xa xỉ!
Ngọc Anh
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/chung-tay-cham-soc-tre-em-thanh-thieu-nien-co-hoan-canh-dac-biet_169397.html