Mới đây, ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, đã chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống nhiều vấn đề thú vị xoay quanh câu chuyện đi tìm lời giải cho bài toán mức sinh thấp ở đô thị gần 10 triệu dân này.
Thực tế cho thấy, thế giới chưa ghi nhận quốc gia nào, thậm chí là đô thị nào, từng thành công vực dậy mức sinh như mong muốn khi chỉ số này lao dốc. Có thể kể ngay vài quốc gia gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc - vốn là những nước phát triển nên không thiếu nguồn lực cho nỗ lực tăng mức sinh ở bất kỳ hình thức nào.
Cuối năm 2024, báo chí trong và ngoài nước đưa tin về làng Ichonono (cách TP Osaka, Nhật Bản chỉ 60 km). Ngôi làng này trong suốt 20 năm chỉ toàn người trên 65 tuổi. Cho nên, ngay khi có một cháu bé chào đời, cả làng đã ăn mừng rộn rã.
"TPHCM có điểm đặc biệt liên quan tới mức sinh thấp mà hiếm nơi nào có được, đó là tình trạng cân bằng thấp kéo dài nhiều năm. Yếu tố đặc biệt này giúp TPHCM vẫn còn thời gian, vẫn còn cơ hội để trở mình vực dậy mức sinh", lãnh đạo Chi cục Dân số chia sẻ.
Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM. Ảnh: NC
"Thời gian vàng" vực dậy mức sinh
"Thời gian vàng" là thuật ngữ y khoa đề cập đến khoảng thời gian sau chấn thương, mà khi đó, điều trị y tế và phẫu thuật kịp thời sẽ có khả năng cao nhất ngăn ngừa được tử vong. Ví dụ như "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ là 4,5 giờ tới không quá 6 giờ kể từ khi đột quỵ khởi phát.
Trong lĩnh vực dân số, lâu nay chỉ tồn tại thuật ngữ "dân số vàng", đề cập tới thời kỳ có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), cao hơn tỷ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi). Tuy nhiên, đối với lĩnh vực dân số ở TPHCM, thuật ngữ "thời gian vàng" cần được chú trọng.
Theo ông Phạm Chánh Trung, tổng tỷ suất sinh, nôm na là số con bình quân sinh ra còn sống của một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ, vốn là thước đo phản ánh mức sinh của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một tỉnh hay thành phố.
Ghi nhận từ Chi cục Dân số TPHCM cho thấy, năm 2000, bình quân một phụ nữ trên địa bàn sẽ sinh 1,76 con (trong khi mức sinh thay thế là 2,1 con).
Như vậy, từ những năm 2000, TPHCM đã đối mặt mức sinh thấp. Qua từng năm, mức sinh tại TPHCM lại biến động theo hướng "trồi sụt thất thường".
Cụ thể, năm 2003 chỉ còn 1,40, nhưng sang năm 2004 lại tăng tới 1,59, thậm chí vào năm 2008 tăng tới 1,63.
Ghi nhận mức sinh tại TPHCM thấp nhất vào năm 2016, khi một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ chỉ sinh bình quân 1,24 con. Vào cuối năm 2024, Chi cục Dân số TPHCM ghi nhận mức sinh ở mức 1,39.
Theo ông Trung, đây chính là điểm đặc biệt vì kinh nghiệm cho thấy, ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ hay tỉnh, thành phố, khi mức sinh đã quay đầu giảm thì tiến trình lao dốc sẽ diễn ra liên tục, tức năm sau thấp hơn năm trước, hiếm xảy ra tình trạng cân bằng thấp.
Lãnh đạo Chi cục Dân số TPHCM còn phân tích thêm, mức sinh có giảm và có tăng, nhưng không tăng cao hơn mức bắt đầu giảm từ năm 2000. Nói cách khác là số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của TPHCM vẫn còn được bổ sung và vấn đề sinh đẻ vẫn chưa bị xem là rào cản trong tiến trình lập thân của giới trẻ.
Tóm lại, qua 24 năm, số con bình quân sinh ra còn sống của một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ ở TPHCM từ 1,76 giảm còn 1,39. Điều này cho thấy tốc độ giảm sinh chưa quá khốc liệt. Đồng thời, qua thực tế ghi nhận, khả năng cải thiện mức sinh vẫn còn.
Qua phân tích, ông Phạm Chánh Trung đã chỉ ra rằng, hiện nay TPHCM vẫn còn trong "thời gian vàng" để cải thiện mức sinh. Song nếu không tận dụng mà để khoảng thời gian này trôi qua, nghĩa là cơ hội thổi bùng ước muốn sinh con trong từng chị em phụ nữ, từng thanh niên, từng hộ gia đình...không còn nữa, thì coi như nỗ lực nâng cao mức sinh sẽ hoàn toàn bế tắc.
Tờ rơi giúp cộng đồng ở TPHCM hiểu nhiều hơn về vấn nạn mang tên "mức sinh thấp".
Kiến tạo niềm tin vào tương lai
Đó là chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Dân số TPHCM, như một lời giải đối với bài toán mức sinh thấp. "Để tăng được mức sinh thì người dân cần phải có được sự an tâm, rằng con cái họ sẽ được sinh ra và phát triển với chất lượng sống tốt nhất", ông Phạm Chánh Trung nói.
Muốn vậy, theo ông Trung, sự đầu tư không chỉ dừng ở việc hỗ trợ khi sinh con mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt, bao gồm: Tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận với chất lượng giáo dục tốt; chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện; đời sống tinh thần lành mạnh và môi trường trong lành.
Bên cạnh đó, các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn, mà phải hướng đến sự hỗ trợ cho các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi, thông qua hỗ trợ học phí, hỗ trợ thời gian chăm sóc trẻ; chế độ hỗ trợ hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất là làm thể nào để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà, cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến.
"Đây là những giải pháp không đơn giản để thực hiện. Vì thế, đối với bài toán nhân lực trong tương lai, bên cạnh giải pháp về nâng cao mức sinh, TPHCM cũng cần phải tính đến các chế độ an sinh xã hội. Điều này sẽ giúp TPHCM có thể thu hút được lực lượng lao động nhập cư, đóng góp thêm cho sự phát triển chung của đô thị này...", ông Phạm Chánh Trung chia sẻ thêm.
Được biết, hiện chính quyền TPHCM đã tập trung nhiều nguồn lực hơn cho vấn đề nâng cao mức sinh. Đó là hỗ trợ toàn bộ học phí cho trẻ mầm non tới các bậc tiểu học, THCS, THPT; là quà khích lệ (3 triệu đồng) với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi...
Đây mới là những bước đi đầu tiên của hành trình thực hiện lời giải cho bài toán mức sinh thấp của chính quyền TPHCM. Hy vọng, sau 50 năm giải phóng, thành phố "văn minh, hiện đại, nghĩa tình" sẽ phát triển kinh tế - xã hội đồng đều và mạnh mẽ hơn, để những ai đang sống trên vùng đất này đều chắc niềm tin vào tương lai...
Thanh Giang