Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, khẳng định tầm quan trọng của hội nghị trong bối cảnh Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước. Ông Tuấn nhấn mạnh, việc sửa đổi các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là một nội dung trọng tâm. Dự thảo mới tại Điều 9 khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí của Mặt trận Tổ quốc là bộ phận của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời cụ thể hóa các chức năng đại diện, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội.
Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: V. H
Điểm đáng chú ý, Hiến pháp lần đầu tiên quy định nguyên tắc hoạt động "hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc", xác lập rõ vai trò chủ trì, điều phối của Mặt trận, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh gọn bộ máy và khắc phục tình trạng chồng chéo. Việc sửa đổi Điều 84 trao quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được đánh giá là sự khẳng định vai trò ngày càng tăng của Mặt trận trong xây dựng thể chế, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: V. H
Bà Võ Thị Dung, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, thống nhất với việc sửa đổi Hiến pháp nhằm tinh gọn bộ máy chính trị, đặc biệt là các quy định về Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và phân định đơn vị hành chính. Bà Dung đề nghị bổ sung làm rõ hệ thống chính trị tại Điều 9, bao gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà Võ Thị Dung góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013. Ảnh: V. H
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh giá cao việc Dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận. Tuy nhiên, ông cho rằng cần cụ thể hóa cơ chế "chủ trì" và "thống nhất hành động", đặc biệt là chức năng giám sát, phản biện xã hội, đồng thời kiến nghị quy định chi tiết quy chế phối hợp giữa Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn. Ông Hậu cũng đề xuất thiết lập cơ chế pháp lý hữu hiệu để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận được các cơ quan nhà nước tiếp thu, giải trình và xử lý nghiêm túc, có thể bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiến nghị xử lý trách nhiệm vào Hiến pháp hoặc luật chuyên ngành.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Q. Đ
Hội nghị đã thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến vai trò và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được tổng hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.
Thế Anh