Sáng 26/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Sở ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố liên quan nhằm đánh giá tình hình, triển khai công tác hỗ trợ và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 (Wipha) gây ra.
Theo báo cáo, tính đến ngày 23/7, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 3 người tử vong, 1 người mất tích và 4 người bị thương. Có 450 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái và 3.786 căn bị ngập nước; 1 điểm trường bị tốc mái.
Ngoài ra, địa phương còn chịu thiệt hại đáng kể về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, hệ thống giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, công nghiệp, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng khác.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại cuộc họp.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo báo cáo của địa phương, giông lốc đã làm sập và tốc mái 510 căn nhà, khiến 19 người bị thương. Thiên tai còn gây hư hỏng 10 phòng học, 6 nhà kho; làm gãy 34 trụ điện, ngã đổ 2.369 cây ăn trái và 363 cây xanh; ảnh hưởng đến 5,68 ha diện tích trồng cây ăn trái.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã thông tin thêm về công tác chuẩn bị, lên phương án hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, Sở Y tế TPHCM đã lên phương án sẵn sàng về trang thiết bị, cơ số thuốc và nguồn nhân lực để có thể tham gia ngay vào công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho người dân tại tỉnh Nghệ An theo đề nghị từ địa phương.
Lực lượng vũ trang thành phố cũng đã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An để nắm chắc số liệu thiệt hại của người dân và gia đình quân nhân tại địa phương, nhằm có phương án hỗ trợ cụ thể. Trước mắt, hỗ trợ khoảng 600 phần quà nhu yếu phẩm, trị giá khoảng 400 triệu đồng cho người dân và gia đình quân nhân bị ảnh hưởng. Giai đoạn tiếp theo sẽ chuẩn bị vật lực, nhân lực để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng.
Lực lượng vũ trang thành phố cũng đã phối hợp với Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An để nắm chắc số liệu thiệt hại của người dân và gia đình quân nhân địa phương để có phương án hỗ trợ cụ thể, trước mắt hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân và gia đình quân nhân bị ảnh hưởng với khoảng 600 phần quà, trị giá khoảng 400 triệu đồng. Giai đoạn tiếp theo, chuẩn bị vật lực, nhân lực hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng sau cơn bão…
Bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An hoang tàn sau lũ. Ảnh: Vũ Đồng.
Đối với các tổ chức chính trị – xã hội thành phố, Hội Chữ thập đỏ TPHCM cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ kịp thời, như: tổ chức các đoàn thăm và tặng quà, tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc; hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà đại đoàn kết…
Các cơ quan báo chí thành phố tập trung tuyên truyền về sự hỗ trợ của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội TPHCM đến với người dân các tỉnh bị thiên tai; đồng thời đẩy mạnh các chương trình thiện nguyện nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh:
"TPHCM luôn xác định tinh thần 'vì cả nước, cùng cả nước', sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các địa phương gặp khó khăn do thiên tai".
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đánh giá cao sự chủ động của các lực lượng, đoàn thể và cơ quan báo chí thành phố trong thời gian qua đã nhanh chóng phối hợp ứng phó, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi giông lốc diễn ra ngay trên địa bàn thành phố. Từ kinh nghiệm này, TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức lực lượng một cách bài bản, tập trung, hiệu quả để hỗ trợ các tỉnh bạn bị thiệt hại nặng do bão số 3 (Wipha).
Trước mắt, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ tham mưu Thường trực Thành ủy phê duyệt chủ trương hỗ trợ 2 tỉnh Nghệ An và Đồng Tháp. Trong đó, tỉnh Nghệ An sẽ được hỗ trợ 3 tỉ đồng và tỉnh Đồng Tháp 1 tỉ đồng, trích từ nguồn Cứu trợ TPHCM, thông qua hệ thống Mặt trận tại 2 tỉnh.
Ngoài hỗ trợ tài chính, ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị các Lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội và ngành chức năng Thành phố khẩn trương liên hệ với các địa phương bị ảnh hưởng để nắm sát tình hình, xác định đúng nhu cầu thực tế và chủ động xây dựng phương án cứu trợ phù hợp. Riêng các lĩnh vực chuyên môn như điện, nước, cứu hộ - cứu nạn... sẽ do các đơn vị chức năng chủ trì, dưới sự điều phối của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố nhằm đảm bảo sự tập trung, đồng bộ, tránh dàn trải nguồn lực.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đặc biệt lưu ý ngành y tế cần chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thiết bị và thuốc để sẵn sàng chi viện, tương tự như cách TPHCM từng được các địa phương hỗ trợ trong cao điểm đại dịch COVID-19. Các đơn vị y tế cần lên phương án điều động theo mô hình "gối đầu", đảm bảo công tác hỗ trợ y tế liên tục, không bị gián đoạn. Đồng thời phối hợp khảo sát kỹ tình hình dịch tễ tại các vùng ngập úng kéo dài để phòng chống dịch bệnh.
Nam Thương