TPHCM là hạt nhân phát triển phía Nam

TPHCM là hạt nhân phát triển phía Nam
5 giờ trướcBài gốc
Năm 2024 khép lại với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19, GDP ước cả năm đạt 7%, được các định chế tài chính toàn cầu đánh giá thuộc nhóm ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và thế giới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo 2024 chỉ tăng 2,6% (theo số liệu WB).
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát; thu chi, cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo; nợ công, bội chi ngân sách được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao…
Đó không chỉ là những thành tựu cơ bản của năm 2024, mà còn là cơ sở vững chắc để đất nước tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%, để đến hết năm 2025 về quy mô nền kinh tế nước ta xếp hạng 31-33 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.900USD, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 5,3-5,4%.
Trong năm 2024, các công trình dự án quan trọng quốc gia, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của nền kinh tế như tuyến cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông, các tuyến cao tốc ở ĐBSCL, cao tốc kết nối duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội… đang được khẩn trương hoàn thành hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Báo cáo với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 năm 2024, Chính phủ cho biết sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban, thành viên là người đứng đầu một số bộ, cơ quan, địa phương để rà soát nắm tình hình, tổng hợp tất cả các dự án đang gặp vướng mắc, nguyên nhân, sơ bộ giải pháp và xây dựng nghị quyết của Chính phủ để hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương giải quyết theo từng nhóm vấn đề cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đây là quyết sách rất quan trọng để sớm đưa các công trình, dự án đầu tư của các thành phần kinh tế trong cả nước vào khai thác, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tác động tích cực, lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi năng lượng như được tiếp thêm sức mạnh với nhiều khung khổ pháp lý theo hướng bền vững được Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành, như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng… Và hiện đang xem xét, chuẩn bị thông qua Luật Điện lực, Luật Dữ liệu, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Đầu tư công...
Chính phủ cũng trù liệu, trường hợp cần thiết sẽ ban hành một luật sửa nhiều luật, hoặc nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật, hoặc đã có nhưng còn nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
2025 cũng là năm đánh dấu chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển TPHCM. Ngày nay, diện mạo của thành phố đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày một xanh, sạch hơn với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại, dần đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu sử dụng của người dân.
Xứng danh là "cái nôi" của quá trình đổi mới, nơi đầu tiên áp dụng các mô hình quản lý mới trong sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. TPHCM đang đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi năng lượng, tiếp cận các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI…
Dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, TPHCM là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế động lực phía Nam, môi trường kinh doanh thông thoáng và nguồn nhân lực chất lượng cao luôn hướng tới đổi mới, sáng tạo. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố và du khách bốn phương.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, TPHCM hiện đang đi đầu trong chuyển đổi xanh với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ như tài chính xanh, tín chỉ carbon, cải tạo, chỉnh trang kênh rạch, điện mặt trời mái nhà…
Các chương trình, dự án chuyển đổi xanh, sạch, kinh tế tuần hoàn của thành phố luôn nhận được sự đồng thuận cao, ủng hộ nhiệt thành của cư dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt, khó lường do cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, xung đột khu vực bên cạnh những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, trong đó nổi lên là trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), đang đem đến những đột phá quan trọng trong công nghệ số cả về tốc độ và quy mô trên toàn cầu, nhờ các công nghệ như Internet vạn vật, công nghiệp 4.0, phân tích dữ liệu, mạng 5G.
Nếu chúng ta tận dụng tốt các cơ hội, lợi thế so sánh quốc gia, huy động được các nguồn lực xã hội, tạo lập niềm tin, đồng thuận xã hội, thì chắc chắn sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 do Đại hội XIII của Đảng đề ra, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển đột phá 2026-2030, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, 100 năm ngày thành lập nước.
Các nền tảng, động lực tăng trưởng kinh tế được huy động, khai thác tối đa, hướng tới các cột mốc lịch sử của đất nước với mục tiêu trở thành nước công nghiệp, thu nhập bình quân đầu người trung bình cao năm vào 2030, và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
TS. TRẦN VĂN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-la-hat-nhan-phat-trien-phia-nam-post119810.html