Chiều 2/1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học Giải pháp để TPHCM tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2025 – 2030, nhằm ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, giải pháp giúp thành phố xây dựng định hướng phát triển thời gian tới.
Tháo gỡ quyết liệt để đóng góp ngay trong năm 2025
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng
TS Nguyễn Tú Anh – Trung tâm Thông tin, Ban Kinh tế Trung ương, đánh giá, nhìn vào cơ cấu kinh tế của TPHCM, nếu không tập trung vào ngành dịch vụ thì khó tăng trưởng hai con số khi ngành này chiếm đến 65%. Cùng với đó, thành phố muốn tạo ra nền tảng của cả nền kinh tế thì phải tập trung thúc đẩy khu vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm để tạo động lực cho nền kinh tế. Đồng thời phải có đột phá, khai thông bằng được khu vực bất động sản để từ đó khai thông cho giải ngân đầu tư công.
Nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng của TPHCM, TS Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tăng trưởng hai con số trong năm 2025 của TPHCM là thách thức vô cùng lớn. Theo ông, yếu tố cơ cấu kinh tế nội tại của thành phố đang phát triển theo chiều rộng, trong khi các ngành thuộc phân khúc giá trị gia tăng cao còn ít.
Đưa giải pháp cho thành phố, TS Đặng Đức Anh đề nghị chính quyền thành phố cần tập trung rà soát lại những vướng mắc, tồn tại, nhất là tháo gỡ các dự án bất động sản để đưa vào triển khai. “UBND TPHCM cần tháo gỡ quyết liệt để lĩnh vực này có thể đóng góp ngay trong năm 2025”, ông Anh nói đồng thời thành phố cũng quan tâm thúc đẩy các ngành dịch vụ, trong đó có chính sách kích cầu mạnh mẽ hoạt động du lịch, hoạt động lễ hội, showbiz, qua đó tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 – 2030.
Cũng theo chuyên gia này, TPHCM cần có đề xuất Trung ương thúc đẩy giải tỏa nguồn lực, đặc biệt cần nghiên cứu cơ chế thay Nghị quyết 98 bằng một luật cho TPHCM trong đó tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương để tạo sự ổn định cho phát triển. Ngoài ra, cho phép sandbox trong lĩnh vực công nghệ cao, đường sắt đô thị và công trình ngầm; đề xuất chính sách kéo dài thị thực với các quốc gia có lượng khách đến TPHCM nhiều và chi tiêu cao để thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ của thành phố.
Đối mặt với bất lợi, khó khăn
Không đi sâu phân tích việc TPHCM phải đạt được con số tăng trưởng trên hay dưới 10%, tuy nhiên TS Phạm Văn Đại - Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng thành phố hoàn toàn có dư địa để tăng trưởng cao hơn rõ rệt cái mà thành phố có trong 10 – 15 năm qua. “Để tăng trưởng thì phải thu hút vốn. Thu hút vốn không cần đặt nặng vấn đề tìm kiếm nguồn lực đầu tư công hay hộ gia đình. Điều quan trọng là thành phố phải có một câu chuyện gì đó để nói và cam kết với nhà đầu tư”, ông Đại gợi mở.
TS Phạm Văn Đại nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Ngô Tùng
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng năm 2025 và thời gian tới TPHCM đối mặt rất nhiều khó khăn từ sự tác động bởi trường quốc tế. Trong đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi lên nắm quyền sẽ thực hiện chính sách tăng thuế xuất nhập khẩu theo như cam kết trước đó để vươn nền sản xuất trong nước. “Việc này sẽ gây bất lợi cho nước ta nói chung và TPHCM nói riêng bởi thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta là Trung Quốc và Mỹ. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến 6 tháng cuối năm 2025 với nhiều khó khăn”, ông Hoàng nhận định.
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng. Ảnh: Ngô Tùng
Dẫn các dự báo tăng trưởng, ông Hoàng cho rằng TPHCM phải tận dụng các lợi thế để tăng tốc từ quý I và quý II/2025 để bù đắp cho quý III và quý IV có thể bị ảnh hưởng từ các chính sách thương mại của Mỹ. Theo đó, muốn tăng trưởng hai con số thì quý I và quý II phải tăng hai con số. “Đi liền đó, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phải xây dựng kịch bản kinh tế và nêu cho được kinh tế thành phố nếu căn cứ kịch bản này thì tăng từ các chỉ số thành phần nào và tăng từ đâu”, ông Hoàng nói thêm.
TS Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết việc đặt ra con số 10% là một chỉ tiêu và việc “rướn” tới đâu là sự nỗ lực, cố gắng hết sức của thành phố. Đây cũng là câu chuyện của năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội XI thành phố (2020 – 2025) nhằm đạt được những chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội tốt để bù lại những năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. “Tuy vậy, TPHCM cũng không “chạy theo thành tích” như các chuyên gia đã phân tích, đồng thời cũng đã xây dựng các nền tảng cần thiết để thực hiện và phát triển cho thời gian tới”, ông Vũ nói.
Ngô Tùng