Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi làm việc
Tham dự cùng Đoàn giám sát có ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành và lãnh đạo các sở, ngành TP.Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) cho biết Thành phố đã cập nhật, bổ sung, hoàn thiện báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (sau khi sáp nhập) kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo Đề cương Ban hành kèm theo Kế hoạch số 688/KH-ĐGS ngày 23 tháng 01 năm 2025 và Công văn số 710/ĐGS-KHCNMT của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV.
Cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường
Thông tin về hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại hộ gia đình, cá nhân, đại diện lãnh đạo Sở NNMT cho biết, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 14.000 tấn/ngày (trong đó: khu vực TP.Hồ Chí Minh cũ khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực Bình Dương cũ khoảng 2.400 tấn/ngày và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ khoảng 1.100 tấn/ngày). CTRSH được thu gom, vận chuyển xử lý đạt gần 99%, trong đó: tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, compost, tái chế đạt khoảng 40%; còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Hiện nay, Thành phố có 4 khu xử lý chất thải tạp trung đanh hoạt động với tổng diện tích 1.672,88 ha (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc 822ha, Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước 813,88 ha; Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương 100 ha; Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên 137 ha). Các Khu quy hoạch đang và sắp triển khai: 03 Khu, tổng diện tích 750ha (Khu công nghệ môi trường Xanh 200ha (xã Tân Long, tỉnh Tây Ninh); Khu xử lý chất thải Tân Long 400. ha; Khu xử lý chất thải Bình Mỹ 150 ha) và 6 vị trí để thực hiện dự án án quy mô nhỏ cho từng địa phương vơi diện tích hon 50ha.
Theo Sở NNMT, công tác phân loại CTRSH tại nguồn trong thời gian quan chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn cho các sở, ban ngành, hội đoàn thể và UBND cấp huyện (trước giải thể) và cấp xã. Tổ chức thực hiện phân loại CTRSH tại một số khu phố, phường và đánh giá kết quả triển khai thực hiện để nhân rộng. Qua thực tế triển khai đã rút ra được bài học để phát huy hiệu quả của việc phân loại tại nguồn cần phải có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giữa các khâu từ thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý đối với các loại chất thải sau phân loại, trong đó sự đồng bộ với công nghệ xử lý đầu cuối có vai trò rất quan trọng. Do vậy, thành phố sẽ rà soát điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, trung chuyển và định hướng công nghệ xử lý để xây dựng đề án thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cho phù hợp.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý CTRSH cũng còn một số tồn tại và khó khăn, đó là: Việc cải tạo, nâng cấp trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa phù hợp với quy hoạch, quy trình thu gom của địa phương nên cần thời gian cho công tác dự toán và bố trí kinh phí thực hiện; việc thu gom, vận chuyển CTRSH hiện nay đang thực hiện theo cơ chế đấu thầu, tuy nhiên phần nhiều đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH có nhân lực và năng lực tài chính hạn chế, nhất là lực lượng thu gom rác thải dân lập từ hộ gia đình, cá nhân… chưa thể đầu tư nâng cấp phương tiện, thiết bị đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về môi trường để phù hợp với việc thu gom CTRSH sau phân loại và tham gia đấu thầu.
Về quản lý một số loại chất thải đặc thù, hiện Thành phố đang nghiên cứu thực hiện giai đoạn 1, nghiên cứu xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng (gồm xe buýt, xe taxi, xe mô tô công nghệ và xe phi cơ giới) sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn và trong giai đoạn 2, tiếp tục xem xét đến loại chất thải đặc thù như pin xe điện, chất thải nguy hại, phế liệu từ các thành phần chất thải ra môi trường, chưa thực sự được bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Đại diện Sở NNMT cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT. Cụ thể, số lượng công chức, viên chức về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố được bố trí tương đối cao so với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Tuy nhiên, thành phố với quy mô là trung tâm đô thị và công nghiệp của cả nước thì số lượng công chức, viên chức chưa tương xứng với khối lượng công việc môi trường ngày càng tăng trên địa bàn thành phố, nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 phân cấp mạnh về cho địa phương, do đó nhân lực cho hoạt động BVMT của thành phố gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân lực làm công tác BVMT ở cấp xã phường rất thiếu và yếu;
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phát triển bảo vệ môi trường còn thấp, chưa tạo được sự đột phá trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải đô thị, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các đô thị, dẫn đến tỉ lệ nước thải và CTRSH được thu gom, xử lý chưa như mong muốn.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện Luật BVMT năm 2020, đại diện Sở NNMT cho biết Thành phố chủ động xây dựng và ban hành các các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án có định hướng dài hạn và huy động các nguồn lực thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia và Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhất là rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực môi trường…
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn giám sát, phát biểu tại buổi làm việc
Do tập trung đẩy mạnh thực hiện Luật BVMT năm 2020 đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố đề ra như: tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 99%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%.
Triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm
Theo báo cáo của Sở NNMT, để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BVMT, Thành phố sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT, trong đó tập trung vào việc ban hành các cơ chế chính sách nhằm huy động các các nguồn lực BVMT; đơn giản hóa các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường nhất là lập thẩm định ĐTM, cấp phép môi trường;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; đặc biệt nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, và bảo vệ môi trường;
Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm; nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, tăng cường công tác hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, sản xuất sạch hơn, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tập trung di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp tục triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố
Thành phố kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật Khu công nghiệp trong đó có các quy định về hoạt động BVMT, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và cộng sinh trong khu công nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi một số điều Luật BVMT cho phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp; sửa đổi các tiêu chí phân loại dự án đầu tư cho thực tế, dễ áp dụng để thực hiện các hồ sơ môi trường; giảm bớt các đối tượng phải thực hiện ĐTM và cấp phép môi trường;
Đối với Chính phủ, Thành phố kiến nghị Xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật BVMT. Đặc biệt, ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường;
Đồng thời, xây dựng và ban hành định mức biên chế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và yêu cầu thực tiễn trong quản lý, để địa phương có cơ sở bố trí biên chế nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ được giao (nhân lực BVMT cần bố trí đi đôi với tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển đô thị…).
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được tiếp thu ý kiến phát biểu của Đoàn giám sát
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thành phố kiến nghị xây dựng và ban hành đầy đủ Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nơi công cộng; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn bảo vệ môi trường, quy chuẩn về xử lý nước thải tại chỗ…
Ngoài ra, hướng dẫn các nội dung tái sử dụng nước sau xử lý dùng cho mục đích tưới cây và các mục đích khác (trừ nước thải chăn nuôi); Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải đảm bảo tính thống nhất để các địa phương cập nhật thông tin các nguồn thải có hoạt động sản xuất đóng trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đồng thời không bị lãng phí vì hiện nay một số địa phương đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu của địa phương và có thể không đồng bộ dữ liệu về hệ thống cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Thành phố kiến nghị ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định tuần hoàn, tái sử dụng nước thải cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho phù hợp Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó nên bổ sung quy định các mức chi cụ thể trong lĩnh vực BVMT nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BVMT.
Đảm bảo công tác quản lý và bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh tới cấp phường xã, đặc khu
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quôc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả Thành phố đạt được về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị Thành phố chủ động nghiên cứu, khuyến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường; làm tốt công tác quy hoạch và huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường. Ngoài ra, Thành phố cần có lộ trình xử lý các vấn đề môi trường như: ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ sức khỏe người dân Thành phố.
Phó Chủ tịch Quôc hội Lê Minh Hoan đề nghị Thành phố quan tâm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực môi trường nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý và bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh tới cấp phường xã, đặc khu, xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường, chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị xã hội.
Bên cạnh đó, Thành phố cần nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào lĩnh vực môi trường, tăng cường năng lực cảnh báo ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường….
Phó Chủ tịch Quôc hội Lê Minh Hoan đề nghị, trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, là đầu tàu đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển kinh tế xanh tuần hoàn; tận dung hiệu quả những thế mạnh sẵn có về nguồn nhân lực, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển của Thành phố và cả nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quôc hội Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cảm ơn Đoàn giám sát đã có những ý kiến góp ý thiết thực, thành phố sẽ tiếp thu và triển khai. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ quy hoạch lại và xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường mới trên tinh thần chỉ đạo của Trường đoàn giám sát Quốc hội.
H.T