Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhuận, Phòng đo đạc, bản đồ và viễn thám, Sở TN-MT TPHCM cho biết, theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún đất nền ở TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 1m, tốc độ lún khoảng 2-5cm/năm. Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại, tốc độ sụt lún khoảng 7-8 cm/năm. Tốc độ lún đất nền cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1cm/năm). Nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún có thể kể đến như: nền địa chất yếu, tác động của hoạt động giao thông, của công trình dân dụng (nhà ở, chung cư cao ốc) và hoạt động khai thác nước ngầm.
PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI
Quan trắc thời điểm năm 2019 của Bộ TN-MT cũng cho thấy, TPHCM tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất nền, khu vực bị sụt lún lớn nhất với giá trị lún đo được là 31mm, trong đó, diện tích vùng lún nhanh trên 15mm/năm là 14.775 ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh từ 10-15mm/năm là 22.331 ha. So với giai đoạn từ năm 1996-2014, khu vực quận 8, huyện Bình Chánh, quận 12 vẫn tiếp tục bị lún, khu vực quận 5, quận 10, quận 11 đã không còn xuất hiện các vùng lún. Tuy nhiên có nhiều vùng lún mới xuất hiện ở khu vực quận 9 cũ, các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận như Tân Phú, Phú Nhuận, quận 6, Bình Thạnh.
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, ngoài nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển các mảng kiến tạo,... còn có nhóm nguyên nhân do con người tác động như quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông và khai thác nước ngầm.
Theo nhìn nhận của PGS-TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sụt lún đất nền kết hợp triều cường và mực nước biển dâng làm cho nguy cơ TPHCM ngày càng “chìm dần” và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của TPHCM trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đồng thời, sụt lún cũng gây nhiều thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI
Nhiều ý kiến cho rằng, với tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, thời tiết ngày càng cực đoan và nước triều ngày càng cao, hiện tượng sụt lún tại TPHCM sẽ làm cho thành phố có nguy cơ đối mặt với ngập lụt diện rộng. Để giảm tình trạng sụt lún trên diện rộng, thành phố cần đồng bộ triển khai các giải pháp như chú trọng đến vấn đề quy hoạch, giảm khai thác nước ngầm... Đặc biệt, thành phố cần đầu tư một hệ thống giám sát thường xuyên và dự báo về tình hình sụt lún nền đất trên địa bàn nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
MINH HẢI