UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn thành phố.
Hoạt động nhằm quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách tìm kiếm, xác định liệt sĩ chưa xác định danh tính là nhiệm vụ xuyên suốt; là trách nhiệm của xã hội, của mỗi người và đề cao đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”; tri ân đối với các gia đình anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
Đồng thời, vận động người dân có thân nhân là liệt sĩ hy sinh chưa xác định được thông tin; thân nhân có liệt sĩ chưa tìm được hài cốt cung cấp mẫu ADN để phục vụ công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM thắp hương phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Ngô Tùng
Theo đó, việc thu nhận thông tin ADN là một lộ trình hoàn thiện Đề án 06, chuẩn bị sẵn sàng tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân với kho dữ liệu Căn cước làm cơ sở khoa học để triển khai có hiệu quả công tác truy nguyên sinh trắc, tìm kiếm danh tính, thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin, được chôn cất tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc và thân nhân liệt sĩ chưa tìm kiếm được hài cốt qua các thời kỳ.
Đối tượng thực hiện là người dân đang cư trú trên địa bàn thành phố là thân nhân liệt sĩ đã hy sinh qua các thời kỳ; người hưởng trợ cấp liệt sĩ gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân hưởng trợ cấp tuất 1 liệt sĩ; thân nhân hưởng trợ cấp tuất 2 liệt sĩ; thân nhân hưởng trợ cấp tuất 3 liệt sĩ trở lên; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp nuôi dưỡng; thờ cúng liệt sĩ; vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ.
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện diễn ra từ nay đến hết năm 2025.
UBND TPHCM yêu cầu công tác triển khai tại các đơn vị phải thực hiện theo phương châm “Quyết liệt trong chỉ đạo, tận tâm trong tham mưu, toàn lực trong thực hiện”, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, hiệu quả theo kế hoạch đề ra.
Phải xác định đúng quan hệ thân nhân liệt sĩ, ưu tiên theo họ ngoại của liệt sĩ: mẹ đẻ liệt sĩ; mẹ đẻ của mẹ đẻ (bà ngoại ruột) của liệt sĩ; anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; bác, cậu, dì là anh chị em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ); anh em con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; con của chị gái, em gái của liệt sĩ.
Cùng với đó, thu nhận dữ liệu ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính theo đúng diện thu nhận mẫu ADN; phải tuân thủ đúng đối tượng (đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”); đồng thời lưu ý đến phương án thu nhận mẫu ADN đối với những trường hợp người tuổi cao, sức yếu.
UBND TPHCM giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện rà soát, xác minh thông tin nhân thân gia đình liệt sĩ và thu thập, cập nhật, điều chỉnh (nếu thiếu hoặc có sai sót); cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo diện “thân nhân liệt sĩ”, thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú, an sinh xã hội cho công dân.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện theo hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản tiến hành rà soát, thống kê danh sách thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định được thông tin hài cốt có thể thu mẫu đối sánh. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị rà soát hiện trạng hài cốt liệt sĩ bao gồm các trường hợp đang được quy tập, các trường hợp chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ để xây dựng phương án quy tập.
Ngô Tùng