TPHCM tinh giản hơn 22.000 người sau sắp xếp đơn vị hành chính

TPHCM tinh giản hơn 22.000 người sau sắp xếp đơn vị hành chính
một ngày trướcBài gốc
Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sáng 18-4, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề).
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải trình bày tờ trình của UBND TPHCM về xây dựng nghị quyết của HĐND TPHCM tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM.
Đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành lập TPHCM (mới) là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau sắp xếp TPHCM tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hai cấp phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); phát huy tiềm năng và lợi thế của 3 tỉnh, thành phố về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới.
TPHCM mới sau sắp xếp, hợp nhất có diện tích 6.772,65 km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), Quy mô dân số 13.706.632 người (đạt 979,04 % so với 17 tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam bộ. Nơi Trung tâm hành chính - chính trị của TPHCM tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1; Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP Thủ Dầu Một (cơ sở 2); Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP Bà Rịa (cơ sở 3).
Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo UBND TPHCM việc thành lập TPHCM mới phát huy ưu thế của 3 tỉnh, thành phố có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TPHCM sau sắp xếp, có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân. Đồng thời, đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Về sắp xếp nhân sự, với 9.732 người hoạt động không chuyên trách sẽ tinh giản biên chế theo chế độ, chính sách trong năm 2025. Với 12.600 cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư thì giải quyết đến năm 2029, trung bình mỗi năm giảm 2.500 người.
Giảm 62,64% đơn vị hành chính cấp xã
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM, thành phố hiện có 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn. TPHCM thực hiện sắp xếp 272 đơn vị hành chính cấp xã, 1 xã không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù là xã đảo Thạnh An. Sau sắp xếp, TPHCM có 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 78 phường và 24 xã), giảm 171 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 62,64%.
Theo UBND TPHCM, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của thành phố. Mục tiêu là mở rộng quy mô, không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.
Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời, đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền hiện hữu; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững. Việc sắp xếp cũng góp phần giải quyết các vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý địa giới hành chính, tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển có tốc độ tăng trưởng khá tốt, đặc biệt là quy mô kinh tế đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành của cả nước, nơi hội tụ nhiều hoạt động.
UBND TPHCM nhận xét việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố là thực sự cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính có liên quan. Các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp đều cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định và được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM đồng tình ủng hộ.
Do đó, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM. Sau khi được thông qua, UBND TPHCM hoàn thiện hồ sơ, đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TPHCM theo quy định.
NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG - THÀNH CHUNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tphcm-tinh-gian-hon-22000-nguoi-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post791234.html