Sở Y tế TPHCM đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dược trong tháng 5, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, và thực phẩm chức năng. Động thái này được triển khai sau vụ án sản xuất, buôn bán 100 tấn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, và thiết bị y tế giả do Công an Hà Nội triệt phá, với các sản phẩm này được phân phối tại nhiều cơ sở bán lẻ và bệnh viện trên toàn quốc.
Trước mắt, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh dược rà soát khẩn cấp danh mục thuốc, thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế đang sử dụng hoặc kinh doanh. Đảm bảo không sử dụng hoặc kinh doanh sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kiểm tra quy trình mua sắm, đảm bảo hàng hóa được cung ứng từ các cơ sở hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Nếu phát hiện sản phẩm nghi ngờ (giả, chưa được phép lưu hành, kém chất lượng), lập tức niêm phong, ngừng sử dụng, và báo cáo cơ quan chức năng.
Với các cơ sở kinh doanh dược,chỉ kinh doanh các sản phẩm được phép lưu hành, có nguồn gốc rõ ràng, đúng phạm vi cấp phép. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và quảng cáo sản phẩm y tế.
Phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện thông báo đến các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám chữa bệnh, và người dân để tránh sử dụng sản phẩm giả.
Phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến quảng cáo và kinh doanh sản phẩm y tế.
Mới đây, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương mở đợt tấn công từ ngày 15/5 đến 15/6 ngăn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Những tháng qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện sữa giả, thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm kém chất lượng.
Đối với Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thành phố, tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện vi phạm chất lượng (nếu có) đến Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
Phương Thúy