TPHCM từng bước đưa nền hành chính lên môi trường số

TPHCM từng bước đưa nền hành chính lên môi trường số
2 ngày trướcBài gốc
Việc thực hiện TTHC, đưa nền hành chính lên môi trường số này được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi không tổ chức chính quyền cấp huyện.
Đào tạo công dân số
Cuối tháng 3, anh Nguyễn Văn Thành (29 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) đến UBND phường làm hồ sơ thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Sau khi được công chức bộ phận một cửa hướng dẫn, anh sử dụng tài khoản VNeID nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công.
Công chức UBND phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH
Ngay khi đăng nhập và chọn dịch vụ công, thông tin cá nhân trên VNeID đã được tự động điền vào tờ khai, chỉ mất thêm vài phút nhập thông tin khác và chụp giấy tờ tải lên, anh Thành đã thực hiện xong việc nộp hồ sơ và đăng ký nhận kết quả tại nhà.
Anh Thành đánh giá quy trình thực hiện hồ sơ trực tuyến được hệ thống hướng dẫn đầy đủ, chi tiết và thanh toán phí trực tuyến nên khá thuận tiện, giúp người dân có thể nộp hồ sơ dù đang ở bất cứ đâu, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến và được trả kết quả đến tận nhà thông qua dịch vụ bưu chính.
Bà Trần Thị Thu An, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường An Phú Đông, cho biết, TPHCM đã liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, nên người dân chỉ cần nộp hồ sơ một lần sẽ nhận được 3 kết quả. Nhiều TTHC khác được cung cấp trực tuyến toàn trình giúp người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí khi thực hiện TTHC.
Những người chưa sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khi đến UBND phường làm TTHC sẽ được hướng dẫn cách đăng nhập cổng dịch vụ công trực tuyến qua VNeID nộp hồ sơ.
Là một trong 6 xã, phường đông dân nhất TPHCM với dân số hơn 140.000 người, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) Nguyễn Thị Kim Tuyến cho biết, một bộ phận người dân của xã chưa thông thạo sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Do đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân qua nhiều kênh và lập tổ tư vấn, hướng dẫn người dân khi đến xã làm TTHC sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2024, xã tiếp nhận hơn 31.000 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Trung bình mỗi ngày, cán bộ của xã xử lý, giải quyết hơn 130 hồ sơ. Sắp tới, khi sắp xếp xã thì dân số tăng lên, do vậy phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến để giảm tải công việc cho cán bộ. Tuy nhiên, thiết bị máy học, hạ tầng, dữ liệu... phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện còn hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện thông suốt các TTHC.
Trong buổi làm việc tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đi vào cuộc sống. TPHCM tiếp tục quan tâm hơn đến yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực, gắn với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị phải gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 57; tổ chức phổ cập kiến thức về công nghệ thông tin cho người dân, để mọi người từ già đến trẻ đều sử dụng được dịch vụ công trực tuyến.
Cắt giảm quy trình, đơn giản hóa thủ tục
Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Lâm Đình Thắng, năm nay, sở tổ chức các lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực trí tuệ (AI) cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. Các lớp đào tạo này sẽ được thực hiện liên tục đến khi có thể đào tạo, hướng dẫn, bồi dưỡng cho đầy đủ cán bộ công chức, viên chức của thành phố.
Lớp bồi dưỡng vừa phổ cập các công cụ AI hiện đại vừa khuyến khích áp dụng thực tế vào công việc hàng ngày, nhằm giảm thiểu thời gian xử lý nghiệp vụ, cải thiện quy trình làm việc và phục vụ tốt hơn cho người dân. Lớp bồi dưỡng cũng chú trọng vấn đề an toàn thông tin trong sử dụng AI, cùng với công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ cán bộ, công chức phường xã triển khai tổng hợp thông tin đến các khu phố, ấp.
Cùng với việc nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, TPHCM đang đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cắt giảm quy trình không cần thiết và đẩy mạnh liên thông dữ liệu trong thực hiện TTHC trực tuyến.
Vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện TTHC; cắt ít nhất 30% TTHC có điều kiện kinh doanh không cần thiết thuộc thẩm quyền UBND TPHCM hoặc đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành có liên quan thực hiện theo thẩm quyền, góp phần giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
TPHCM cũng tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy, hiện nay, 100% TTHC và dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM. Thành phố cung cấp 672 tài khoản giám sát thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho các sở, ngành, địa phương thực hiện giám sát thanh toán trực tuyến trên hệ thống.
Mỗi ngày, hệ thống xử lý khoảng 10.000 hồ sơ, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện. Hệ thống đã và đang triển khai mở rộng kết nối với nhiều lĩnh vực, phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương, sở, ngành, địa phương nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác của thành phố.
TS NGUYỄN THANH HÒA, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM:
Nhân rộng các cộng đồng thực hành về năng lực số
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM hướng đến xây dựng các tổ chức học tập song song với việc tăng cường năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Một khi đội ngũ có kỹ năng số tốt hơn, việc xây dựng, nhân rộng các cộng đồng thực hành về năng lực số sẽ dễ dàng hơn. Đây là những bước khởi đầu cho một không gian phát triển mới nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn trong quá trình hội nhập, phát triển.
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM cung cấp các quy trình, công nghệ và công cụ số để nâng cao khả năng làm việc của cán bộ cơ sở.
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đã làm việc, ký kết với một số trường đại học mạnh về khoa học - công nghệ, đầu tiên là Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn và đang đàm phán ký kết đào tạo với một số đơn vị khác. Mục tiêu là trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ nhân lực của TPHCM, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại chuyển đổi số.
Bà VÕ THỊ NGỌC LAN, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM:
Hướng dẫn người dân thực hiện TTHC trực tuyến
Thời gian qua, UBND phường An Phú Đông tăng cường thực hiện giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ ngày càng nâng cao. Kết quả tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên đạt 99,9%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên 96%; tỷ lệ số hóa hồ sơ TTHC trên 92%. Chứng thực điện tử, giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích được tăng cường giải quyết.
Xác định TTHC trực tuyến là yếu tố quan trọng trong cải cách cải cách, ứng dụng chuyển đổi số, UBND phường An Phú Đông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về khu phố để thông tin đến người dân lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Phường cũng hướng dẫn cụ thể cách thực hiện TTHC trực tuyến từng loại hồ sơ để người dân thực hiện; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 - PV) và theo dõi từng nội dung, tiến độ công việc.
ĐÔNG SƠN - VĂN MINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tphcm-tung-buoc-dua-nen-hanh-chinh-len-moi-truong-so-post788431.html