Ngày 25/2, UBND TP.HCM phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM tổ chức Hội thảo "Giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại TP.HCM".
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 355km metro (ảnh V.Q)
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, với mật độ dân số hơn 4.500 người/km2, TP.HCM coi đường sắt đô thị là "xương sống" của hệ thống giao thông công cộng. Đến năm 2035, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 355km đường sắt đô thị.
Cuối năm 2024, TP.HCM đã công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến metro và Vành đai 3, tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.
Để triển khai dự án này, cần xem xét đến các yếu tố như quy hoạch, quyền sử dụng đất, quyền khai thác không gian, các công cụ tài chính, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.
Ông Cường hy vọng, mô hình TOD sẽ giúp giảm ùn tắc, ô nhiễm, cung cấp hệ thống giao thông công cộng dễ tiếp cận, nhanh chóng, an toàn, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường phát biểu
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, đây là một lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để khám phá, do đó thành phố xác định "vừa học vừa làm"; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và vốn đầu tư từ bạn bè quốc tế, đặc biệt là giai đoạn chuyển đổi từ xây dựng đường sắt đô thị thuần túy sang mô hình TOD.
"Thành phố rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư từ bạn bè quốc tế để phát triển TOD, ngay từ giai đoạn chuyển đổi từ xây dựng đường sắt đô thị thuần túy sang mô hình TOD đến giai đoạn xây dựng nền tảng pháp lý, kịch bản tài chính, thu hút nhà đầu tư chiến lược và chuẩn bị nguồn nhân lực để vận hành và bảo trì hệ thống giao thông công cộng hiện đại", ông Bùi Xuân Cường nói.
Bà Alex Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TP.HCM bày tỏ ấn tượng với hiệu quả của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và cho biết, Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn với Việt Nam trong phát triển giao thông công cộng.
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo
Các chuyên gia tại hội thảo đánh giá, mục tiêu 355 km đường sắt đô thị là thách thức lớn, nhưng không phải bất khả thi. Việc đặt ra mục tiêu tham vọng sẽ giúp có các giải pháp đủ mạnh, phù hợp.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết, qua nghiên cứu, trên địa bàn TP, khu đất gắn với TOD có tính khả thi cao là khoảng 32.000 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trống…); 9.000 ha đất gắn với TOD thuộc khu vực đất sản xuất, đất chuyển đổi chức năng có tính khả thi cao và khoảng 23.000 ha đất khuyến khích phát triển TOD thuộc các khu dân cư hiện hữu.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để phát triển TOD khi có 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 98 và Nghị quyết 188 của Quốc hội.
Để thành công, TP.HCM cần có cách làm mới, tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất còn ít và phải nội địa hóa dần công nghệ.
Trước mắt, TP.HCM cần thành lập một cơ quan hội đồng phát triển đường sắt đô thị, gồm đầy đủ thành phần liên quan và do một Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách chỉ riêng nội dung này, kéo dài khoảng 10 năm.
Hà Khánh/VOV-TP.HCM