Cụ thể UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thường Nhật (Công ty Thường Nhật) đầu tư xây dựng, khai thác tạm một bến thủy nội địa ven sông Sài Gòn, tiếp giáp khu đất giáp nhà ga metro Ba Son của tuyến metro số 1.
Ngoài với việc xây dựng, công ty Thường Nhật cần thực hiện cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son bằng nguồn vốn của công ty.
Cửa ra nhà ga Ba Son thuộc tuyến metro số 1 sẽ được xây dựng bến tàu tạm
Quy mô của bến tàu sẽ là cầu dẫn - phao nổi với kết cấu lắp ghép, không xây dựng công trình kiên cố. Bến tàu nội địa này chỉ vận chuyển, phục vụ các phương tiện đường thủy cập bến đưa - rước hành khách, không neo đậu phương tiện thủy trong phạm vi vùng nước hoạt động bến. Bến thủy này được hoạt động, khai thác tạm thời cho đến khi TPHCM có yêu cầu giải tỏa di dời.
Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) TPHCM sẽ phối hợp UBND quận 1 cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Công ty TNHH Thường Nhật thực hiện xây dựng tạm bến thủy nội địa nêu trên. UBND quận 1 hướng dẫn công ty Thường Nhật thực hiện phương án thiết kế và thực hiện cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son đảm bảo mỹ quan đô thị, hài hòa với cảnh quan tại khu vực và công viên bến Bạch Đằng.
Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TPHCM có trách nhiệm hướng dẫn công ty Thường Nhật thực hiện các thủ tục thuê mặt nước, ký kết hợp đồng thuê mặt nước sử dụng để khai thác bến thủy nội địa, làm căn cứ để cơ quan Thuế xác định đơn giá thuê, số tiền thuê mặt nước phải nộp theo đúng quy định của nhà nước.
Công ty Thường Nhật hiện đang khai thác vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn
Trước đó, công ty Thường Nhật đã có văn bản đề xuất về việc kết nối khách đường thủy trên sông Sài Gòn với tuyến metro số 1. Theo đề xuất, công ty đã khảo sát và cho rằng vị trí nhà ga metro Ba Son rất phù hợp và khả thi để mở bến tàu kết nối vận chuyển hành khách. Các vị trí này nằm trong lộ trình tuyến buýt sông mà công ty đang vận hành từ bến Bạch Đằng (quận 1).
Công ty Thường Nhật đã đề xuất được tự nguyện chi trả kinh phí để đầu tư xây dựng tạm các bến tàu liền kề với ga metro Ba Son với quy mô dạng kết cấu cầu dẫn - phao nổi (có thể thi công lắp ghép nhanh chóng) làm gia tăng giá trị phục vụ, thu hút người dân và du khách sử dụng phương tiện công cộng. Vị trí đề xuất thứ nhất là bến tàu liền kề ga metro Ba Son, tiếp giáp bờ sông Sài Gòn khu vực thượng lưu cầu Ba Son.
Trước đề xuất trên, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đã đánh giá và cho rằng việc bổ sung bến tàu Ba Son theo đề xuất của Công ty Thường Nhật là cần thiết. Từ việc hình thành bến tàu sẽ tạo khả năng kết nối giao thông thủy, giúp hành khách có thể tiếp cận các dịch vụ vận tải đường thủy và hình thành điểm trung chuyển đa phương thức, tập trung nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy các loại hình dịch vụ du lịch.
Theo UBND TPHCM, việc này nằm trong hoạt động cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh nhà ga Ba Son, bến tàu Ba Son và chân cầu Ba Son nhằm, đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường trong khu vực này. Bên cạnh đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng, kết nối vận tải hành khách bằng đường thủy với tuyến metro số 1.
Trọng Thịnh