Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dùng trẻ tuổi đang lan truyền mạnh mẽ trào lưu "biến hóa" tên món ăn theo phong cách vui nhộn, mặn mòi không tưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, loạt cách gọi bá đạo như “hủ tiếu nhút nhát”, “bún hàng auth” hay “phở trình là gì mà là trình ai chấm” đã phủ sóng khắp các nền tảng.
Cùng điểm qua một số “tác phẩm để đời” từ từ điển món ăn Gen Z:
Nghe có vẻ… lạ tai, nhưng hóa ra chỉ là cách gọi vui của món đồ uống quen thuộc - trà đá.
Trứng lộn được Gen Z biến tấu lại với một cái tên hài hước là...trứng nhầm xíu thôi mà.
Dân mạng "cười bò" với cái tên "phở đỡ phiền".
Ngã ngửa với độ "lầy lội" và "mặn mòi" của cư dân mạng với cái tên cực hài dành cho món bít tết.
Một "biệt danh" mới gắn liền với truyện cổ tích dành cho món cơm tấm quen thuộc.
Những màn đặt tên như vậy không chỉ gây cười mà còn giúp ẩm thực truyền thống khoác lên mình lớp áo mới – trẻ trung, dí dỏm và đậm chất tinh nghịch của Gen Z.
Ngay sau khi loạt tên gọi bá đạo này được chia sẻ, hàng loạt bình luận và bài đăng theo trend đã bùng nổ. Chỉ sau vài giờ, nhiều bài viết thu về hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ. Dưới phần bình luận, người dùng rôm rả tiếp nối “trò chơi đặt tên” bằng loạt biệt danh không kém phần đáng yêu dành cho các món ăn như “cơm chị con Cám” (cơm tấm), “bánh ú” (bánh chubby), hay “bánh bò” (bánh chưa biết đi).
Không ít người tỏ ra thích thú, cho rằng đây là một cách khiến ẩm thực gần gũi hơn với giới trẻ, vừa giải trí vừa giúp truyền thông lan tỏa món ngon Việt theo cách hiện đại, trẻ trung.
Tuy vậy, trend này cũng có không ít ý kiến trái chiều. Một bộ phận người dùng mạng cho rằng việc “xào nấu” lại tên món ăn quá đà, sử dụng từ ngữ dễ gây hiểu nhầm đã làm mất đi giá trị nguyên bản của các món truyền thống. Đặc biệt, với những người không quen hoặc không thuộc thế hệ Gen Z, những cái tên này dễ gây bối rối, thậm chí làm lu mờ tinh thần văn hóa gốc của món ăn.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hoa, giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hoa, giảng viên Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhìn nhận: “Hiện tượng đặt lại tên món ăn theo kiểu Gen Z có thể xem là một biểu hiện của sự sáng tạo ngôn ngữ, thậm chí là một dạng 'meme' giúp lan tỏa văn hóa. Tuy nhiên, bạn trẻ không nên lợi dụng sự hài hước để cố tình gây hiểu lầm, xuyên tạc hay bôi nhọ những giá trị gắn liền với ẩm thực truyền thống. Việc này nếu kéo dài sẽ làm lệch đi cảm nhận văn hóa, thậm chí khiến những giá trị truyền thống bị hiểu sai, đánh mất ý nghĩa của nó.”
Theo TS. Hồng Hoa, mỗi thế hệ có cách tiếp cận văn hóa khác nhau và sáng tạo là điều cần thiết, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ẩm thực, yếu tố bản sắc và sự tôn trọng cội nguồn vẫn phải được gìn giữ như một giá trị nền tảng.
Không thể phủ nhận rằng Gen Z đang mang lại làn gió mới cho văn hóa ẩm thực bằng sự hài hước và sáng tạo. Những cái tên vui nhộn không chỉ thể hiện khả năng ngôn ngữ linh hoạt mà còn khiến những món ăn xưa cũ trở nên sống động hơn trong mắt người trẻ. Tuy nhiên, đằng sau những tiếng cười, điều quan trọng là phải biết cân bằng giữa sự cách tân, đổi mới, sáng tạo và việc gìn giữ bản sắc ẩm thực.
Ảnh: Foodholicvn
Hiếu Nguyễn