Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trà hoa vàng, anh say sưa kể về mối lương duyên đó. Anh Duật cho biết: Chúng tôi đã đi nhiều nơi, làm quen với nhiều vùng đất nhưng khi đến đây, tôi và cộng sự của mình quyết định chọn Ninh Bình là nơi dừng chân để thỏa niềm đam mê với nông nghiệp và dược liệu. Từ cảnh vật, không khí, người dân đến cả nét vắng lặng, sâu thẳm nơi núi rừng… Tất cả níu chân chúng tôi, thôi thúc chúng tôi phải khám phá, “hồi sinh” vùng đất tưởng như bị lãng quên này.
Dốc hết cả tâm huyết, tiền bạc và công sức, ban đầu anh Duật trồng cây đinh lăng với hi vọng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Nhưng khi đinh lăng được trồng đại trà ở nhiều nơi, nhóm của anh Duật lại phải loay hoay tìm hướng đi mới. Lúc này một mối duyên khác lại tình cờ đến khi họ biết đến cây trà hoa vàng đang được phân bố tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. “Đó là lúc chúng tôi biết rằng, trà hoa vàng không chỉ là cây thuốc dân gian hay là thức uống thiên nhiên đơn thuần. Mà đó thực sự là một loại dược liệu rất quý cần được hồi sinh” - anh Duật cho hay.
thuộc họ chè (Theaceae), chi trà (Camellia chrysantha), các tên gọi khác: Trà rừng, kim hoa trà, trà trường thọ... là một loại cây quý vừa có thể làm cảnh vì hoa rất đẹp, lại vừa là cây dược liệu quý. Theo Camellia International Journal - Tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới - trong hoa và lá trà hoa vàng có tới 33,8% hoạt chất có tác dụng ức chế, tác động và giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất trong lá, hoa của trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ lipid máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, ngăn ngừa huyết khối, phòng ngừa các bệnh tim mạch...
Theo chia sẻ của anh Duật, trà hoa vàng Cúc Phương có tên gọi là Camellia cucphuongensis là loài cây gỗ nhỏ, cao 3-6m. Lá hình bầu dục dài 6-12cm, rộng 2,5-4,5 cm; đỉnh lá nhọn dài khoảng 1,5cm; gốc lá tròn hay hình nêm rộng; chất lá dày, bóng và dai; gân bên 7-9 cặp. Hoa màu vàng nhạt, có cuống dài 5-7 mm, có lông. Mùa hoa kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Loài này ưa ẩm mọc trong các thung lũng của rừng nhiệt đới ở độ cao 300-400 m.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình, anh Phạm Tiến Duật đã triển khai đề tài khoa học: Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương bằng phương pháp giâm hom. Đề tài được triển khai trên quy mô 3 ha trong các nhà màng được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Kết quả là đã hoàn thiện được quy trình nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương. Trong 6.231 cây trà hoa vàng trồng bằng phương pháp giâm cành có 6.050 cây sống. Có 6,9 ha được Cục Y dược cổ truyền cấp chứng nhận “Thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức T tế thế giới” (GACP WHO). Sau 3 năm trồng cứ 10 cây trồng có 2 cây ra hoa và cho thu hoạch.
Hiện trên diện tích gần 30 ha, anh Duật và cộng sự đã sưu tầm và nhân giống thành công 35 giống trà hoa vàng ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với hàng trăm nghìn cây lớn bé đang sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng cây trà hoa vàng Cúc Phương chiếm tới 60% số lượng cây của vườn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Trung ương thăm và động viên mô hình.
Anh Phạm Tiến Duật chia sẻ: Suốt 7 năm qua, chúng tôi đã đầu tư không biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để biến nơi đây thành Khu bảo tồn gen của trà hoa vàng. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, những người yêu trà hoa vàng Việt Nam và quốc tế cũng thường xuyên tìm đến Ninh Bình, như một điểm hẹn của những người có cơ duyên với loại hoa quý này.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo một số sở, ngành thăm, động viên mô hình.
Đi trên các đoạn đường đất có lát đá vụn quanh co theo các thửa đất trồng các loại trà hoa vàng khiến bất cứ ai khi tới đây cũng cảm thấy thư thái dễ chịu. Một bầu không khí trong lành, yên tĩnh, điểm xuyết trong màn sương sớm là những thảm cỏ tự nhiên xanh rì cùng dãy hồng cổ rung rinh đón gió. Từng quãng, từng quãng lại có những cây dược liệu mọc hoang như đàn hương, giảo cổ lam. Giữa lòng công viên là bãi đá lộ thiên có niên đại hàng trăm năm với đủ hình dáng khác nhau… Một không gian thiên nhiên, tĩnh lặng mà những người kiến tạo nên nó đã phải dành ra rất nhiều tâm sức, thời gian.
Chậm rãi nhâm nhi ly trà hoa vàng Cúc Phương khi còn đượm khói, anh Duật cho biết thêm: Trà hoa vàng Cúc Phương ra nụ muộn nhưng thu hoạch sớm và thời gian thu hái sẽ kéo dài hơn một số loại trà hoa vàng khác. Mỗi cây khỏe cho từ 2-2,5kg hoa tươi/ngày. Đặc biệt, trọng lượng trà hoa vàng Cúc Phương nặng hơn so với các giống trà hoa vàng khác. Ví dụ, các loại trà khác từ 6,6-7kg hoa tươi mới được 1 kg hoa sấy khô, thì với trà hoa vàng Cúc Phương chỉ khoảng 5 kg hoa tươi sẽ thu được 1 kg hoa khô.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên sáng lập Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đặc biệt quan tâm và tuân thủ nguyên tắc trồng và canh tác theo phương pháp hữu cơ. Năm 2018, Công ty đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa-công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ âm 50 độ C là công nghệ sấy dược liệu tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay. Nhờ công nghệ này, toàn bộ màu sắc, hình dạng, kích thước và các hoạt chất, khoáng chất, vitamin… trong hoa trà đều được giữ nguyên. Với giá bán từ 8-10 triệu đồng/kg hoa khô cao gấp nhiều lần nếu chế biến và bảo quản theo phương pháp thông thường.
Từ một loài cây đứng trước nguy cơ khai thác tận diệt, thoái hóa về nguồn gen, đến nay cây trà hoa vàng Cúc Phương nói riêng và hàng chục giống trà trên cả nước đã được phát triển và bảo tồn tốt trên mảnh đất Nho Quan. Nói về những định hướng trong thời gian tới, anh Duật và những cộng sự của mình cho biết, chừng nào mảnh đất nơi đây còn yêu mến, họ sẽ còn tiếp tục dành tất cả sự nghiêm túc, say mê để đưa sản phẩm trà hoa vàng chinh phục những tầm cao mới.
Ngọc Linh
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/tra-hoa-vang-huong-vi-cua-nui-rung-nho-quan-487649.htm