Trả lễ hội về đúng giá trị nguyên bản

Trả lễ hội về đúng giá trị nguyên bản
12 giờ trướcBài gốc
Ảnh: minh họa
Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội mùa xuân manh nha từ thời đại Hùng Vương, khi cư dân Việt cổ quần tụ theo bộ lạc. Những ngày đầu năm mới, trai gái các vùng tụ hội, không chỉ ca hát, múa nhảy mà còn chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, săn bắn, dệt vải, trao đổi sản vật. Các hình thức văn nghệ dân gian, trò diễn xướng... cũng bắt đầu từ đây, để lại dấu ấn đậm nét trong văn hóa Việt. Theo dòng lịch sử, lễ hội trở thành dịp bày tỏ lòng tôn kính với các anh hùng dân tộc, những bậc tiền nhân có công với đất nước. Lễ hội đền Hùng tưởng nhớ các vua Hùng, lễ hội Gióng tri ân Đức Thánh Gióng, hay lễ hội Hai Bà Trưng tái hiện chiến công chống giặc ngoại xâm. Những nghi lễ truyền thống không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn bồi đắp ý thức cội nguồn, hun đúc tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Hiện nay, bên cạnh những lễ hội mang đậm giá trị lịch sử và tâm linh chính thống, không ít nơi đang “làm quá” hoặc đi chệch hướng. Nhiều hoạt động cúng bái cầu tài, cầu lộc bị phô trương quá mức, xuất hiện tình trạng “buôn thần bán thánh”, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi. Hiện tượng thương mại hóa lễ hội khiến một số sự kiện trở thành nơi chen lấn, xô bồ, mất an ninh trật tự. Hình ảnh tranh cướp lộc, đốt vàng mã tràn lan hay những trò chơi mang tính cờ bạc không chỉ làm méo mó nghi thức truyền thống mà còn gây phản cảm trong mắt công chúng. Mặc dù công luận nhiều lần lên tiếng, việc chấn chỉnh vẫn chưa thực sự quyết liệt. Không ít người đến lễ hội chỉ để cầu cạnh chuyện riêng, quên đi rằng mục đích cuối cùng của lễ hội là kết nối cộng đồng, bồi dưỡng đạo đức, tôn vinh truyền thống, chứ không phải biến thành những cuộc “giao dịch” tâm linh.
Thiết nghĩ, để bảo vệ và phát huy giá trị đích thực của lễ hội, trước hết, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa thực sự của các nghi lễ truyền thống. Các cơ quan chức năng, địa phương phải đẩy mạnh truyền thông, giúp người dân hiểu rằng lễ hội không chỉ là nơi cầu may, mà còn là dịp tri ân tổ tiên, hun đúc tinh thần đoàn kết và giáo dục đạo đức. Các điểm đến du lịch tâm linh cần tập trung vào chất lượng trải nghiệm, giúp du khách hiểu sâu sắc ý nghĩa của từng nghi thức thay vì chỉ chăm chăm vào các dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có biện pháp mạnh tay xử lý hành vi mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”. Pháp luật cần được thực thi chặt chẽ, không để tình trạng lợi dụng tín ngưỡng làm phương tiện trục lợi. Quan trọng không kém là giáo dục thế hệ trẻ về giá trị văn hóa truyền thống.
Như trên đã nói, lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt Nam, phản ánh tinh thần gắn kết cộng đồng, tri ân cội nguồn và hun đúc lòng tự hào dân tộc. Muốn giữ vững bản sắc và phát huy giá trị đó, chúng ta cần chung tay loại bỏ những yếu tố tiêu cực như mê tín dị đoan, thương mại hóa tràn lan. Chỉ khi mỗi người dân ý thức được giá trị thực sự của lễ hội, chúng ta mới có thể xây dựng một không gian tín ngưỡng lành mạnh, nơi lễ hội không chỉ là dịp sum vầy, mà còn là lời nhắc nhở về truyền thống, lịch sử và bản sắc dân tộc.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/tra-le-hoi-ve-dung-gia-tri-nguyen-ban-post486817.html