Đầu tư Quốc lộ N1
Hiện nay, tuyến Quốc lộ N1 (đoạn từ ngã ba cầu Hữu Nghị (cũ) thuộc phường Tịnh Biên, TX. Tịnh Biên đến TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) có mặt đường rất hẹp, trong khi lưu lượng xe tham gia giao thông ngày càng đông, nhất là vào ngày cao điểm, gây ùn tắc cục bộ. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường này để đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi trong lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh trong khu vực.
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Quốc lộ N1 qua địa phận tỉnh An Giang dài khoảng 53km, quy mô cấp III - IV, 2 - 4 làn xe. Hiện trạng, mới có đoạn từ Km138+914 đến Km162+200 (ranh giới tỉnh An Giang, Kiên Giang) dài khoảng 23km đã được đầu tư theo quy hoạch; các đoạn tuyến còn lại tận dụng đường địa phương để khai thác. Thời gian qua, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên, đầu tư sửa chữa Quốc lộ N1, tổng kinh phí (năm 2023, 2024) khoảng 28,7 tỷ đồng; năm 2025 dự kiến bố trí khoảng 9,5 tỷ đồng.
Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cân đối 1.671 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91, tuyến tránh TP. Long Xuyên; trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần 1, với tổng mức đầu tư khoảng 13.799 tỷ đồng.
Bộ GTVT thống nhất đề nghị của cử tri tỉnh An Giang về sự cần thiết đầu tư, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ N1 nói chung, đoạn tuyến từ cầu Hữu Nghị đến Hà Tiên, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế của tỉnh An Giang nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Tuy nhiên, còn khó khăn về nguồn lực nên chưa thể bố trí vốn để đầu tư đoạn tuyến trong giai đoạn 2021 - 2025. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực, nguyên tắc bố trí vốn theo quy định, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sớm đầu tư đoạn tuyến này.
Đề nghị hỗ trợ bảo hiểm cho người hoạt động không chuyên trách
Cử tri tỉnh đề nghị cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, xem xét trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết nhằm hỗ trợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm, tạo điều kiện cho đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến; đảm bảo công bằng với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Sở Nội vụ thông tin, thực hiện Nghị định 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, đơn vị xây dựng dự thảo nghị quyết quy định về chức danh, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh An Giang (thay thế Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, ngày 10/7/2020), đang hoàn thiện hồ sơ để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2024. Qua kết quả tổng hợp góp ý của các cơ quan, đơn vị, có nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ BHXH, BHYT cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia công việc ở ấp, khóm trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ Điểm k, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH năm 2024, quy định: “Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tư nguyện; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố...”. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Như vậy, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở các khóm, ấp đến thời điểm hiện tại và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm theo quy định của pháp luật chưa phải là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Sở Nội vụ xin tiếp thu, nghiên cứu và làm việc với Sở Tài chính, xem xét tùy theo khả năng cân đối ngân sách của địa phương, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ BHYT cho các đối tượng trên. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng là người trực tiếp tham gia hoạt động tại ấp, khóm. Theo dự thảo nghị quyết, tổng dự toán kinh phí để mua BHYT cho nhóm đối tượng này tham gia BHYT hộ gia đình với mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách hỗ trợ đóng 3%, người lao động đóng 1,5%. Tổng cộng, 9 chức danh ở 879 ấp, khóm tương ứng gần 10 tỷ đồng (ngân sách đóng hơn 6,6 tỷ đồng; người lao động đóng phần còn lại).
K.N