Trà Vinh mở rộng dự án năng lượng sạch gần 8.000 tỷ đồng

Trà Vinh mở rộng dự án năng lượng sạch gần 8.000 tỷ đồng
5 giờ trướcBài gốc
Dự án “Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh” do Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen làm chủ đầu tư, được triển khai tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án có quy mô sử dụng đất 52,76ha, trong đó bao gồm 22,36 ha mặt đất (đáng chú ý có 0,66ha là đất rừng phòng hộ cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng) và 30,4ha diện tích mặt nước.
Theo thiết kế, đây là dự án thuộc loại hình sản xuất khí đốt và phân phối nhiên liệu bằng đường ống, với tổng công suất sản xuất dự kiến gồm 24.000 tấn Hydro mỗi năm, 182.500 tấn Amoniac mỗi năm và 195.000 tấn Oxy mỗi năm. Trong đó, Amoniac được sử dụng làm phương tiện vận chuyển khí Hydro, nhằm tối ưu hóa khâu logistics và đảm bảo an toàn trong lưu trữ, vận chuyển.
Dự án “Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh” do Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen làm chủ đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới hơn 7.856 tỷ đồng. Để phục vụ hoạt động sản xuất, nhà máy sẽ khai thác nước biển với lưu lượng khoảng 20.000 m³ mỗi ngày đêm, đồng thời phát sinh lượng nước thải tối đa khoảng 5.200 m³ mỗi ngày đêm.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Dự án được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 3112/QĐ-UBND ngày 31/12/2021. Tiếp đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-BQLKKT ngày 28/3/2022, cho phép Công ty TGS Trà Vinh Green Hydrogen thuê 207.485,5 m² đất để triển khai dự án. Về các thủ tục liên quan, dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 2114/QĐ-UBND ngày 3/11/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 3542/QĐ-UBND ngày 1/11/2022 của UBND huyện Duyên Hải.
Dự án chính thức khởi công xây dựng vào tháng 3/2023, trên diện tích giai đoạn đầu khoảng 21ha, với thời gian thi công dự kiến kéo dài khoảng 2 năm. Sau khi hoàn thành và đi vào vận hành, nhà máy sẽ có công suất sản xuất 24.000 tấn Hydro/năm và 195.000 tấn Oxy y tế/năm. Đặc biệt, dự án sử dụng công nghệ sản xuất Hydro xanh hiện đại, Amoniac được dùng làm phương án lưu trữ và vận chuyển khí Hydro, đảm bảo hiệu quả và an toàn trong chuỗi logistics. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 – 500 lao động tại địa phương.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch.
Đến tháng 10/2023, UBND tỉnh Trà Vinh đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư (điều chỉnh lần thứ nhất). Gần đây nhất, dự án tiếp tục được điều chỉnh tại Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh (điều chỉnh lần thứ hai). Đồng thời, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án cũng đã được UBND huyện Duyên Hải phê duyệt tại Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 05/02/2025.
Theo đó, Dự án có tổng diện tích nghiên cứu xây dựng khoảng 52,76 ha, bao gồm cả phần đất liền và mặt nước. Cụ thể, diện tích đất sử dụng để xây dựng khu nhà máy là khoảng 20,748 ha; diện tích đất dành cho việc lắp đặt đường ống dẫn đến khu vực triều kiệt là khoảng 1,61 ha. Bên cạnh đó, phần diện tích mặt nước phục vụ cho hệ thống đường ống, bến phao và vùng nước kết nối đến tuyến vận tải ven biển SB có quy mô khoảng 30,4 ha, trong đó: khoảng 18,9 ha dành cho khu vực đường ống và khoảng 11,5 ha dành cho khu vực bến phao và vùng nước kết nối.
Tiến độ thực hiện dự án được chia làm các giai đoạn cụ thể. Trong quý 2/2025, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho phần mở rộng dự án. Toàn bộ công tác thi công xây dựng phần nhà máy được dự kiến hoàn thành vào quý 2/2027. Sau đó, hệ thống đường ống xuất khí và bến phao sẽ được hoàn thiện vào quý 3/2027. Giai đoạn chạy thử sẽ diễn ra từ quý 3 đến quý 4/2027, trước khi dự án chính thức vận hành thương mại từ cuối năm 2027.
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 7.856,079 tỷ đồng (tương đương khoảng 340,09 triệu đô la Mỹ).
Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 7.856,079 tỷ đồng (tương đương khoảng 340,09 triệu đô la Mỹ). Cơ cấu chi phí đầu tư được phân bổ như sau: chi phí xây dựng khoảng 1.855,6 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 3.954,9 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án khoảng 45 tỷ đồng; chi phí tư vấn khoảng 149 tỷ đồng; các chi phí khác là 977,4 tỷ đồng; và chi phí dự phòng là 800,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự án cũng dành một khoản kinh phí đáng kể để đầu tư cho hệ thống bảo vệ môi trường với tổng số vốn ước tính khoảng 208,6 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống thu gom nước thải và thoát nước được bố trí 7,5 tỷ đồng; trang thiết bị thu gom chất thải là 0,5 tỷ đồng; kho lưu chứa chất thải được đầu tư 0,3 tỷ đồng; bể tách dầu tại khu phụ trợ là 0,3 tỷ đồng; hệ thống phòng cháy chữa cháy được phân bổ 100 tỷ đồng; và hệ thống xử lý nước thải được đầu tư 200 tỷ đồng.
Là một trong những dự án đầu tư quan trọng thuộc Phụ lục III Nghị định số 05/2025/NĐ-CP, Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, theo quy định tại khoản 1, điều 35 Luật Bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn Năng lượng VATEC đã và đang thực hiện đầy đủ thủ tục này.
Dự án Hydro xanh Trà Vinh được đánh giá là phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo và mục tiêu trung hòa carbon mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP26. Theo Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (ban hành theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2021), Việt Nam xác định phát triển hydrogen là một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng và xây dựng nền kinh tế xanh.
Dự án có quy mô sử dụng đất 52,76ha.
Chiến lược này đặt mục tiêu phát triển đồng bộ chuỗi giá trị hydrogen từ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối đến sử dụng – dựa trên nguồn năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, công suất sản xuất hydrogen xanh được kỳ vọng đạt từ 100.000 đến 500.000 tấn/năm và tăng lên 10–20 triệu tấn/năm vào năm 2050. Đồng thời, Việt Nam hướng tới xây dựng hạ tầng lưu trữ, vận chuyển hydrogen, từng bước hình thành thị trường hydrogen nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Với việc mở rộng quy mô và tăng cường đầu tư, Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh không chỉ góp phần hiện thực hóa chiến lược năng lượng quốc gia, mà còn đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái hydrogen tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tra-vinh-mo-rong-du-an-nang-luong-sach-gan-8000-ty-dong-727722.html