Người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo CSAT Trà Vinh cho biết, dự án CSAT là 5 năm (2022-2026) với tổng kinh phí là 37,1 triệu USD do Quỹ Quốc tế và phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ. Thời gian qua, dự án được triển khai tại 7 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh.
Theo Ban Chỉ đạo, đối tượng hưởng lợi là các hộ nghèo, cận nghèo nông thôn có nguồn lực tài chính hạn chế hoặc không có nguồn lực tài chính; không có đất hoặc có ít đất; các hộ dễ bị tổn thương, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn và hộ do phụ nữ làm chủ hộ, thanh niên nông thôn… trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành Nông nghiệp của tỉnh. Dự án có có 02 hợp phần chính: Hợp phần 1 là lập kế hoạch phát triển chuỗi giá trị về thủy sản, dừa, rau, lúa…; Hợp phần 2: Đầu tư phát triển chuỗi giá trị.
Theo báo cáo, năm 2024, Ban Chỉ đạo đã triển khai 50 hạng mục công trình (có 30 công trình đường nhựa nông thôn, 7 công trình đường bê-tông nông thôn, 7 cầu giao thông, 3 đê bao kết hợp giao thông, 2 hệ thống cống điều tiết nước và 1 hệ thống (gồm 15 trạm) giám sát côn trùng thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổng nguồn vốn giải ngân 92,619 tỷ đồng, đạt 99,19%. Các công trình thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, giao thương buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo các chuỗi giá trị chủ lực và một số chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương.
Bên cạnh đó, trong năm, Ban Chỉ đạo phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 145 lớp tập huấn kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong điều kiện khô, hạn, mặn với 4.490 lượt người dự; tư vấn kỹ thuật cho 10.371 lượt hộ về biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, thủy sản và trồng trọt; cấp phát 39.739 tờ tài liệu kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh gia súc, thủy sản và cây trồng; hạn, mặn trên cây lúa... Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quản lý dịch hại trên cây trồng, vật nuôi 2.158 cuộc, có 91.352 hội viên, nông dân tham dự; tổ chức tư vấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi 82 cuộc, có 2.442 lượt hội viên nông dân dự.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các huyện tập trung thảo luận về công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công… Các Sở, ngành tỉnh hướng dẫn về quy trình thực hiện các hạng mục, công tác giải ngân. Năm 2025, năm thứ 3 thực hiện dự án, Ban Chỉ đạo đang tập trung nghiệm thu 50 hạng mục công trình đã khởi công vào năm 2024; đồng thời, hoàn thành khảo sát thiết kế bảng vẽ thi công và dự toán; phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thi công xây dựng năm 2025 là 37 hạng mục, công trình (21 đường nhựa, 9 đường bê-tông, 2 đê bao kết hợp giao thông, 5 công trình điện); chuẩn bị các thủ tục để chọn nhà thầu các gói thầu theo kế hoạch được duyệt.
Khánh Bình