Trong quá trình thực hiện kế hoạch sáp nhập, các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre chú trọng đến công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về chủ trương này. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động do sắp xếp. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy.
HĐND tỉnh Vĩnh Long thông qua đề án sáp nhập tỉnh Vĩnh Long với Trà Vinh và Bến Tre
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đang quyết liệt triển khai kế hoạch sáp nhập để tỉnh Vĩnh Long mới đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch: “Tỉnh thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền định hướng tư tưởng, trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ cũng như các tầng lớp nhân dân. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho cán bộ bị tác động do sắp xếp, đảm bảo kịp thời đúng quy định. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, qui định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo điều kiện cho các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động. Tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát, có kế hoạch sử dụng các trụ sở, tài sản công không còn sử dụng, không để thất thoát, lãng phí tiêu cực”.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre nêu ý kiến về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh.
Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đồng; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy phát triển khá đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao của mỗi tỉnh và khu vực; kết nối với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, 53B, Quốc lộ 57, 57B, 57C, Quốc lộ 60, Quốc lộ 54, Quốc lộ 80, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Đại Ngãi, cầu Cần Thơ... và đặc biệt là các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ được kết nối thông suốt, cùng với hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện được tập trung đầu tư, nâng cấp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long sau này.
Luồng tàu biển đi vào sông Hậu đi qua địa bàn Trà Vinh.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, sau khi sáp nhập, Trà Vinh sẽ có nhiều đóng góp để tỉnh Vĩnh Long mới phát triển. Hiện tỉnh Trà Vinh đã được Trung ương phê duyệt quy hoạch gần 3.000 MW điện gió, trong đó có 5 dự án đã đóng điện thương mại. Đáng chú ý, theo đánh giá của Viện Năng lượng Việt Nam, tiềm năng điện gió của Trà Vinh lên đến hơn 24.000 MW, điện mặt trời hơn 7.500 MW – đủ sức hình thành chuỗi công nghiệp năng lượng sạch, hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh. Đây cũng là nơi được lựa chọn triển khai Nhà máy sản xuất Hydrogen Xanh đầu tiên tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương sáp nhập 3 tỉnh sẽ tạo điều kiện mở ra không gian phát triển lớn hơn nữa cho tỉnh Vĩnh Long mới. Trong đó riêng tỉnh Trà Vinh sẽ đóng góp rất quan trọng vào kinh tế biển. Theo đánh giá của Viện Năng lượng, công suất điện gió của Trà Vinh là trên 24.000 MW. Công suất này có thể thực hiện các dự án tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn, kinh tế chuyển đổi xanh trong tương lai.”
Bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Long sau khi sáp nhập 3 tỉnh lại với nhau.
Tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long là 3 tỉnh nằm ở phía Đông của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối giao thông kết nối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua, cùng với sự ưu tiên quan tâm đầu tư của Trung ương, kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long nói riêng có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp; mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu và không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản,... và từng bước khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng điện gió Trà Vinh.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã theo hướng tinh gọn là chủ trương ý đảng lòng dân, mở hướng đi mới để Vĩnh Long phát triển. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này là một bước đi rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển lâu dài bền vững của vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng. Nếu thực hiện tốt vấn đề này, đây là cú hích mạnh mẽ để chúng ta tái cấu trúc nền hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hiện đại.
Việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã nhằm đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long (sau sắp xếp) nói riêng.
Chanh Tuy/VOV - ĐBSCL