Tự trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ''Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy'' năm 2024 gồm các đội đại diện của UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Q.T
Hà Nội vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy
Theo Công văn số 1979/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn TP trong mùa nắng nóng: để hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt trong thời gian thời tiết nắng nóng, đồng thời cảnh báo, khuyến cáo đến người đứng đầu cơ sở, DN, hộ gia đình và người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, kỹ năng thoát nạn, phòng chống đuối nước, UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND TP.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND và UBND TP về công tác PCCC và CNCH.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH, phòng, chống đuối nước đến từng hộ gia đình, người dân trên địa bàn. Trong đó tập trung các nội dung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về Luật PCCC và CNCH, các nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật PCCC và CNCH
Cùng với đó, khuyến cáo, cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ và các biện pháp thoát nạn, phòng, chống đuối nước; công tác tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH. Trong đó tập trung kiểm tra các điều kiện về đường, lối thoát nạn, hệ thống, thiết bị PCCC, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
Đồng thời, vận động 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, các phương tiện phá dỡ thông thường và có ít nhất 1 người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH. Tiếp đó, vận động 100% hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2; trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.
TP cũng giao các sở ngành, chính quyền quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền khuyến cáo, cảnh báo về PCCC và CNCH, PCCC rừng, PCCC trong sử dụng điện, phòng chống đuối nước.
Đồng thời yêu cầu kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu các cơ sở khắc phục 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC&CNCH...
Người dân được Công an TP Hà Nội phổ biến kỹ năng sử dụng thiết bị phòng cháy chữa cháy. Ảnh: P.H
Giải pháp hữu ích cần lan tỏa rộng rãi
Việc trang bị thiết bị PCCC trong mỗi gia đình không chỉ là một biện pháp phòng ngừa quan trọng mà còn là một trách nhiệm cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình và cộng đồng. Trong bối cảnh các vụ cháy nổ gia tăng, việc chuẩn bị sẵn sàng với các thiết bị chữa cháy có thể cứu sống và giảm thiểu thiệt hại. Hơn nữa, việc trang bị đầy đủ thiết bị này còn giúp các gia đình tuân thủ các quy định an toàn và nâng cao ý thức PCCC.
Theo các chuyên gia, bình chữa cháy là thiết bị cơ bản và cần thiết nhất trong mỗi gia đình. Có nhiều loại bình chữa cháy như bình bột, bình CO2, và bình nước. Bình bột thích hợp cho các đám cháy nhỏ do chất lỏng và điện, bình CO2 dùng cho đám cháy thiết bị điện tử, còn bình nước dùng cho các đám cháy do gỗ, giấy. Việc chọn loại bình phù hợp và đặt ở vị trí dễ tiếp cận là rất quan trọng. Bình chữa cháy nên được kiểm tra định kỳ để đảm bảo luôn trong tình trạng hoạt động tốt. Đào tạo các thành viên trong gia đình cách sử dụng bình chữa cháy cũng là một bước quan trọng để tăng cường an toàn.
Một thiết bị nữa là cảm biến khói và báo cháy là thiết bị giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của cháy nổ. Khi cảm biến khói phát hiện có khói trong nhà, hệ thống báo động sẽ kêu để cảnh báo các thành viên trong gia đình. Việc lắp đặt cảm biến khói ở các khu vực dễ cháy như bếp, phòng khách và hành lang là rất quan trọng. Đảm bảo kiểm tra và thay pin cảm biến khói định kỳ để thiết bị luôn hoạt động hiệu quả. Mặt nạ chống khói là thiết bị bảo vệ đường hô hấp của bạn khi thoát khỏi đám cháy. Khói từ các đám cháy có thể gây ngạt thở và làm mất phương hướng, vì vậy việc sử dụng mặt nạ chống khói giúp thở dễ dàng hơn và tăng khả năng sống sót. Chọn loại mặt nạ phù hợp với gia đình và đảm bảo rằng mọi người biết cách sử dụng. Lưu trữ mặt nạ chống khói ở nơi dễ dàng tiếp cận và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hiệu quả.
Khi chọn mua thiết bị PCCC, nên xem xét các tiêu chí như chất lượng, nguồn gốc, và chứng nhận an toàn của thiết bị. Đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất bởi các nhà cung cấp uy tín và đã qua kiểm định chất lượng. Các thiết bị PCCC nên có hướng dẫn sử dụng rõ ràng và dễ hiểu, giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng sử dụng trong tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, cũng cần xem xét chi phí và bảo hành của thiết bị để đảm bảo rằng nó phù hợp với ngân sách và đáp ứng yêu cầu an toàn lâu dài.
Bình chữa cháy nên được lắp đặt ở các vị trí dễ tiếp cận như gần cửa ra vào, trong nhà bếp, hoặc hành lang. Đặt bình chữa cháy ở nơi mà mọi thành viên trong gia đình có thể dễ dàng nhìn thấy và sử dụng khi cần. Đảm bảo rằng không có vật cản che khuất bình chữa cháy và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo rằng thiết bị luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Ngoài ra, cũng nên đào tạo các thành viên trong gia đình về cách sử dụng bình chữa cháy.
Khi phát hiện có cháy, cần thực hiện các bước ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho gia đình. Trước tiên, giữ bình tĩnh và báo động cho mọi người biết về tình huống khẩn cấp. Gọi cứu hỏa và cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm cháy. Nếu có thể, sử dụng bình chữa cháy để kiểm soát đám cháy. Nếu lửa quá lớn, nhanh chóng thoát khỏi nhà bằng các lối thoát hiểm đã lên kế hoạch trước. Tránh sử dụng thang máy và luôn di chuyển gần mặt đất để tránh khói độc.
Được biết, mô hình “mỗi gia đình một bình chữa cháy” đã được triển khai ở nhiều địa phương và là một minh chứng sinh động cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác PCCC. Đây không chỉ là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản, mà còn là một hành động thiết thực để xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.
Theo số liệu từ Công an TP Hà Nội, trong quý I/2025, trên địa bàn TP xảy ra 351 vụ cháy, làm 4 người chết và 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 12,2 tỉ đồng. So với quý 1/2024, tăng 53 vụ, giảm 2 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 7,9 tỉ đồng. Số vụ cháy ở nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh vẫn chiếm tỉ lệ cao 173/351 vụ, địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận 186/35 vụ, nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, vẫn chiếm tỷ lệ cao 251/351 vụ. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân là các vụ cháy xảy ra nhưng không được xử lý ngay do không có bình chữa cháy.
Thái Phương