Những năm qua, nông dân mạnh dạn chuyển hướng sản xuất sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm
Thời gian qua, các cấp Hội ND trong tỉnh phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng, gắn với xây dựng tiêu chí vệ sinh môi trường, ATTP trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Hội ND tỉnh đưa nhiệm vụ thực hiện công tác vệ sinh ATTP vào chỉ tiêu thi đua.
Từ năm 2018 đến tháng 9/2024, Hội ND các cấp phối hợp vận động, tuyên truyền trong cán bộ (CB), hội viên (HV), ND, các cơ sở sản xuất, kinh doanh được 715 cuộc với hơn 60.200 lượt HV, ND dự; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn 1.000 tin.
Hội ND tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan tổ chức gần 70 lớp tập huấn, 25 hội nghị truyền thông tuyên truyền, phổ biến, vận động sản xuất nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, CB, HV, ND tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với sự tham gia của hơn 7.500 HV, ND.
“Qua tuyên truyền, vận động, tập huấn góp phần nâng cao trong nhận thức của CB, HV, ND về sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng nông sản sạch, ATTP, bảo vệ sức khỏe, lợi ích cộng đồng. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất, làm sạch, bảo quản nông sản, thực phẩm” - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh - Trần Quốc Quân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy sản, gắn với bảo đảm ATTP cũng được các cấp Hội ND trong tỉnh quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 190 mô hình được thực hiện hoàn chỉnh có kết quả nổi bật, mang lại hiệu quả tốt.
Hội ND các cấp còn phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nhiều HV, ND xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghệ. Hội các cấp phối hợp tuyên truyền, vận động ND tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP (trong đó có 184 sản phẩm OCOP 3 sao, 47 sản phẩm OCOP 4 sao).
Thông tin từ Hội ND tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực mà Hội ND các cấp tham gia thực hiện trong thời gian qua đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn một số hạn chế.
Nhiều ND còn lạm dụng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục quy định; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi, bảo quản, dấm chín hoa quả; do điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn còn việc mua và sử dụng hàng hóa thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc nguy cơ ngộ độc cao
Những năm qua, Hội ND các cấp trên địa bàn huyện Cần Giuộc tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất, nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), bảo đảm ATTP. Huyện có diện tích rau gieo trồng luân phiên dao động từ 1.400-1.700ha tập trung tại các xã vùng thượng (rau ăn lá chiếm 60%, rau ăn trái chiếm 15%, rau gia vị chiếm 25%). Trong đó, ƯDCNC hơn 1.335ha.
Hiện sản lượng rau bình quân của huyện 138.800 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM, một phần tại địa phương, các tỉnh, thành phố lân cận và các siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: "Việc sản xuất theo quy trình nên năng suất, chất lượng rau và giá cả đầu ra được nâng lên đáng kể. Ngoài ra, trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng làm theo thói quen nên mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất ƯDCNC nên người dân đã thay đổi ý thức để sản xuất ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, được người tiêu dùng ngày càng tin tưởng".
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao thời gian qua được triển khai, thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều mô hình, điển hình sản xuất hiệu quả nổi bật về việc ƯDCNC trong trồng rau, như mô hình trồng rau ƯDCNC của hộ Trần Tiết Giao, Huỳnh Văn Tổng; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới tại xã Long Phụng; mô hình trồng rau thủy canh, rau hướng hữu cơ trong nhà lưới, nhà màng tại xã Phước Lại. Các hợp tác xã: Phước Thịnh, Phước Hiệp, Phước Hậu, Phước Điền hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Huỳnh Minh Trí cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn sản xuất theo chuẩn VietGAP; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; tăng cường liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm an toàn”.
Theo ông Trần Quốc Quân, thời gian tới, Hội ND các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước về công tác vệ sinh ATTP nhằm nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ và người tiêu dùng.
Hội ND tỉnh tiếp tục phát động sâu, rộng mô hình vườn xanh, ruộng sạch, sản xuất an toàn đến toàn thể HV, ND trên toàn tỉnh; tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho đối tượng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, CB, HV, ND./.
Tin hoạt động
- Phong trào thi đua Nông dân (ND) sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội ND trong tỉnh tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên (HV), ND đăng ký, thực hiện. Năm 2024, toàn tỉnh có 139.144 hộ đăng ký (đạt 89,60% hộ nông nghiệp, đạt 101% chỉ tiêu Trung ương Hội giao). Tổng số hộ bình xét đạt 86.112 hộ, trong đó có 62.895 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, 18.096 hộ đạt cấp huyện và 5.121 hộ đạt cấp tỉnh. Các cấp Hội ND vận động 9.638 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp lên 86.890 triệu đồng.
- Năm 2024, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội ND trong tỉnh phối hợp các ngành, đoàn thể, địa phương vận động HV, ND tham gia đóng góp xây dựng, sửa chữa, thi công cầu, đường giao thông nông thôn. Cụ thể, đã vận động HV, ND hiến 913.660m² đất, xây dựng 303 công trình nước sạch, kéo điện thắp sáng tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 687km, sửa chữa và xây mới 172 cây cầu, đóng góp 18.019 ngày công lao động.
- Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2024, các cấp Hội ND trong tỉnh chủ động, tích cực phối hợp các ngành thực hiện tốt các chương trình xã hội; phối hợp vận động trao tặng 35.375 phần quà cho HV, ND nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 67.558 triệu đồng. Hội ND các cấp trực tiếp vận động tặng 1.339 phần quà, tổng trị giá 1.135 triệu đồng; hỗ trợ 319 mô hình sản xuất cho hộ nghèo, 46 công trình phúc lợi cho hộ nghèo với tổng kinh phí các hoạt động hỗ trợ 21.779 triệu đồng; phối hợp tổ chức Lễ trao vốn Chương trình “Tiếp sức nhà nông” cho 40 hộ ND có hoàn cảnh khó khăn, có con em vượt khó học giỏi tại xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Bắc (huyện Đức Huệ),…
Lê Đức