Trách nhiệm với người nghèo

Trách nhiệm với người nghèo
3 giờ trướcBài gốc
Hôm nay (15-11), tại TP. Nha Trang, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức phát động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2024, hưởng ứng Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua mới thấy, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh... Các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhân dân trong và ngoài tỉnh luôn quan tâm ủng hộ, chung tay góp phần tháo gỡ khó khăn, chăm lo xây dựng nhà đại đoàn kết; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ hàng ngàn hộ nghèo về phương tiện sinh kế, khám, chữa bệnh, chăm lo cho các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo được tiếp tục đến trường… Qua đó, đã góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Đến nay, qua rà soát các chỉ tiêu về giảm nghèo toàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Khánh Hòa đã cơ bản vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ. Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh giảm được 8.180 hộ nghèo, vượt hơn 800 hộ nghèo so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đặc biệt, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực góp sức của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tỉnh đã góp phần giúp 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đảm bảo đủ điều kiện thoát khỏi huyện nghèo ngay trong năm nay.
Những con số đóng góp, thực hiện công tác giảm nghèo ấy khó có thể cân, đo, đong, đếm được một cách cụ thể. Bởi lẽ, ngoài sự san sẻ, đóng góp bằng tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động…, vẫn còn đó những ủy lạo về tinh thần, sự động viên, khích lệ về mọi mặt theo cách “của ít lòng nhiều” để người nghèo có chỗ dựa vững chắc, tự tin vươn lên, từng bước thoát nghèo bền vững. Tôi còn nhớ, đã có nhiều trường hợp cán bộ hưu trí dành dụm tiền lương hưu ít ỏi của mình hoặc những em nhỏ trích lại phần tiền ăn sáng, ăn quà, tiền khen thưởng… để đến các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan tiếp nhận tiền từ thiện để gửi chút tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Hoặc theo định kỳ, ở có đâu đó bên hiên nhà phố, nơi cổng cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội lại dựng lên bữa cơm 0 đồng, những ổ bánh mì 0 đồng, bát cháo từ tâm… Tất cả, dù ít hay nhiều cũng đều hướng đến góp sức chăm lo cho người nghèo. Đây là nghĩa cử cao đẹp, có giá trị nhân văn cao cả về lòng yêu thương con người. Hành động đẹp này có được từ âm hưởng vang vọng khi dân tộc ta đã vun đắp được truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “chia ngọt sẻ bùi”. Cũng từ truyền thống tốt đẹp đó đã tạo nên một dân tộc đoàn kết vững mạnh.
Mặc dù đã có sự nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn 705 hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở hoặc đang ở trong những căn nhà tạm bợ, dột nát, 852 hộ có nhà bị hỏng cần được sửa chữa. Trong khi đó, ngân sách tỉnh chưa thể đảm bảo bao phủ hết nên đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội để người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Trong bài viết: “Nhà triệu phú biến thành người ăn xin”, ký tên C.B, đăng trên Báo Nhân dân, số 457, ngày 3-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa kêu gọi tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Bởi thời điểm ấy, trong điều kiện chiến tranh, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, ở miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng và đi lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, còn đồng bào miền Nam bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khó, nhiều gia đình mất hết nhà cửa, của cải, ruộng vườn, mất tự do, trở thành nghèo đói. Bài viết của Người nhằm kêu gọi tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chia sẻ những khó khăn của nhân dân miền Nam trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đến nay, lời hiệu triệu của Người vẫn vẹn nguyên giá trị, thúc giục mỗi người con đất Việt cùng có trách nhiệm với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh… Để mỗi chúng ta cùng có quyền kỳ vọng miền ngược tiến kịp miền xuôi, thu nhập bình quân đầu người ngày càng nâng lên, người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc!
ĐẠI HẢI
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoi-su-suy-ngam/202411/trach-nhiem-voi-nguoi-ngheo-70a1da4/