Trái cây Trung Quốc được bày bán tràn ngập chợ Việt

Trái cây Trung Quốc được bày bán tràn ngập chợ Việt
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Một số cửa hàng trái cây nhập khẩu cho biết, mận cau Mông Tự (Trung Quốc) là mặt hàng khá mới tại thị trường Việt Nam. Mận có màu xanh vàng, vị giòn ngọt pha chua thanh, mọng nước và róc hạt. Mận cau size VIP, 1kg được khoảng 10 - 12 quả, thường ra thị trường từ cuối tháng 6.
Chị Nguyễn Thu Hằng, chủ cửa hàng trái cây tại Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho biết: “Tuy giá cao nhưng mận cau rất nhanh "cháy hàng". Cứ 2 – 3 ngày, cửa hàng lại có một chuyến mận về, có chuyến về đến 2 tạ, tôi chỉ đủ trả đơn đặt trước, còn lại bán trong ngày là hết sạch”.
Theo chị Hằng, mận cau thuộc phân khúc trái cây cao cấp, còn đắt đỏ hơn cả giá cherry Mỹ. "Mùa mận này chỉ kéo dài hơn một tháng”, chị Hằng nói. “Do nhu cầu cao và nguồn cung có hạn, đa phần các cửa hàng chỉ nhận đơn đặt trước chứ không có sẵn. Khách hàng muốn thưởng thức thường phải đặt trước từ 1 - 2 ngày”.
Trong khi đó, tại TP.HCM, chị em nội trợ lại đang háo hức rủ nhau mua hồng táo Trung Quốc. Một chủ cửa hàng trái cây ở chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) cho biết thời gian này, mặt hàng bán chạy là hồng táo, táo tàu, táo cherry... đều là hàng nội địa Trung nhập khẩu. “Trái cây Trung Quốc thời gian gần đây bán chạy hơn so với trái cây nhập từ các nước khác như Mỹ, Australia. Người tiêu dùng dần tin tưởng hơn vào chất lượng của các sản phẩm này”, phía cửa hàng chia sẻ.
Khảo sát nhanh thị trường, có thể thấy giá các loại trái cây từ Trung Quốc cạnh tranh hơn hẳn hàng nhập khẩu từ nhiều thị trường còn lại. Điển hình, hồng táo Trung Quốc đang được bày bán nhiều tại Việt Nam với giá trên dưới 90.000 đồng/kg, tương đương 50 - 60% giá các loại táo ngoại nhập khác, trong khi mẫu mã không có sự khác biệt quá lớn.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 7, bên cạnh các loại trái cây vào mùa như vải, mận, xoài, măng cụt…, ngoài chợ Việt xuất hiện thêm mặt hàng đào mỏ quạ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tại nhiều chợ dân sinh, cửa hàng hoa quả, siêu thị hay “chợ mạng”, đào mỏ quạ được rao bán khá đa dạng với mức giá dao động từ 15.000 – 130.000 đồng/kg (tùy chất lượng và tùy loại).
Theo các tiểu thương, đào mỏ quạ có nguồn gốc ở một số tỉnh miền núi của Việt Nam như: Sơn La, Lào Cai và phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Đây là một trong những mặt hàng rất đắt khách, hàng nhập về đến đâu bán hết đến đó. Kích thước của quả đào mỏ quạ thường nhỏ hơn các loại đào khác, vỏ quả có nhiều lông, vỏ đào thường có màu hồng phấn xen lẫn xanh lá. Đào có hương thơm tự nhiên, ăn giòn và có vị ngọt.
Chị Kim Anh, chủ sạp hoa quả tại chợ Long Biên (Hà Nội) thông tin: "Đào chín vừa giòn, ngọt, giá lại mềm… nên rất được lòng người tiêu dùng. Mỗi ngày tôi nhập vài tạ hàng về vừa bán buôn, vừa bán lẻ mà vẫn hết. Đào phần lớn là nhập từ Trung Quốc, hàng của Việt Nam cũng có nhưng hiếm và quả nhỏ, vị chua chát hơn”.
Ở phân khúc hàng cao cấp, chị Đinh Thị Hòa, chủ cửa hàng trái cây ở Định Công (Hà Nội), nói rằng, nửa tháng trở lại đây cửa hàng của chị nhập khá nhiều đào Bắc Kinh, nho sữa và hồng táo. Các loại trái cây này có giá dao động từ 130.000 - 350.000 đồng/kg. “Dù so với mặt bằng giá trái cây Việt hiện tại, giá trái cây Trung Quốc đang đắt hơn nhưng vẫn khá chạy. Đó là bởi phần lớn những loại trái cây này Việt Nam không trồng được, hoặc có sản lượng khá khiêm tốn”, chị Hòa chia sẻ.
Trong khi đó, ghi nhận tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam ngày 9/7, lượng vải thiều và sầu riêng được bày bán lẻ khá nhiều và giá bán cũng ở mức khá “mềm” so với cùng kỳ năm 2023, 2024. Ngoài ra, các loại trái cây khác được bán lẻ ở nhiều chợ tại TP.HCM năm nay cũng có giá thấp hơn hẳn các năm như chôm chôm đang ở mức 15.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại, bơ 034 giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, cam sành chỉ dao động 5.000 - 7.000 đồng/kg...
Hồng táo từ Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết các mặt hàng như sầu riêng, vải thiều, chôm chôm... năm nay được mùa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chậm hơn mọi năm, đặc biệt lượng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường chính là Trung Quốc lao dốc, khiến giá bán trong nước giảm sâu.
Theo ông Nguyên, Trung Quốc chiếm trên 50% thị phần trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, việc thông quan chậm, kiểm dịch gắt gao và sự phụ thuộc lớn vào một thị trường duy nhất đã khiến lượng lớn nông sản Việt ùn ứ tại cửa khẩu, không thể tiêu thụ kịp thời.
Theo thống kê của Cục Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm, nước này giảm nhập khẩu rau quả từ hầu hết nguồn cung lớn như Thái Lan (giảm 11,6%), Chile (giảm 9,1%), Việt Nam (giảm 6,3%). Các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương dự báo nhu cầu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm sẽ có sự phục hồi, để phục vụ cho mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán.
Ở chiều ngược lại, thống kê của Cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 402 triệu USD, tăng nhẹ so với con số 397 triệu USD của cùng kỳ năm 2024. Theo đó, rau quả Trung Quốc chiếm 33,5% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng qua.
Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định: “Việt Nam cùng một số nước trên thế giới đã ký hiệp định về trao đổi nông sản như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), vì thế việc mở cửa nhập khẩu các sản phẩm nông sản nước ngoài là điều bình thường.
Dù nhập khẩu nhiều nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất siêu hoa quả; lượng hoa quả nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam mặc dù tăng về sản lượng nhưng chỉ góp phần làm phong phú hơn về lựa chọn cho người tiêu dùng, không gây áp lực cạnh tranh cho hoa quả nội địa.
Những hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc đều là những cây có nguồn gốc ôn đới, còn trái cây trong nước thuộc họ nhiệt đới. Khi mới nhập khẩu được nhiều người lựa chọn mua sắm, nhưng không thể cạnh tranh được với các loại hoa quả lâu đời trong nước như chuối, dưa hấu, sầu riêng, thanh long…
Doanh nghiệp trồng trọt của Trung Quốc dù đem hàng đi tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu đều phải khai báo mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Trước khi vào thị trường Việt Nam, các loại hoa quả đều được Cục Bảo vệ thực vật kiểm định, kiểm duyệt kỹ càng. Vì thế người dân an tâm mua sắm ở những địa chỉ uy tín, chính thống đồng thời theo dõi thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng của Việt Nam”.
Tuệ Mỹ
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/trai-cay-trung-quoc-duoc-bay-ban-tran-ngap-cho-viet.htm