Trại Cờ - Còn đây trận địa cũ, dấu xưa

Trại Cờ - Còn đây trận địa cũ, dấu xưa
3 giờ trướcBài gốc
Trại Cờ thuộc địa phận thôn Đức Nghiêm, xã Ngọc Sơn có đường tỉnh 295 đi qua. Từ ngã ba Trại Cờ đi thẳng là sang tỉnh Thái Nguyên, ngược lại là về Đình Trám (Việt Yên), rẽ phải là đến huyện Yên Thế. Nhiều bậc cao niên kể rằng Trại Cờ từng là điểm hạ trại dưỡng binh của nghĩa quân Yên Thế. Trước khi xuất quân về căn cứ địa Phồn Xương, cụ Đề Thám đã làm lễ tế cờ tại đây để khích lệ tướng sĩ, từ đó vùng đất này có tên là Trại Cờ (nghĩa là Trại tế cờ).
Bia lưu niệm ghi dấu nơi thành lập Trung đoàn 228B đặt tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không - Không quân cơ sở 2 (khu Trại Cờ).
Tuyến đường từ ngã ba Trại Cờ đến trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Ngọc Sơn dài 1,5 km được gắn biển mang tên đường Hoàng Hoa Thám. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu vực Trại Cờ có nhiều đồi thấp, cây cối um tùm, tre mọc ken dày. Với địa hình cao nên đường đi không lầy lội, rất thuận lợi cho các phương tiện quân sự, nhất là xe kéo tên lửa, kéo pháo di chuyển cơ động trong chiến tranh.
Ông Nguyễn Văn Sơn (92 tuổi, 65 năm tuổi Đảng) ở thôn Ngọc Tân, xã Ngọc Sơn kể: “Tôi quê ở tỉnh Quảng Bình, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau giải phóng Điện Biên năm 1954, pháo từ chiến trường Điện Biên được kéo về xã Ngọc Sơn, pháo do Trung Quốc viện trợ cũng được tập hợp về đây. Khi ấy chúng tôi có 108 lái xe, lái 108 khẩu pháo để phân bổ về các đơn vị pháo trong toàn quân”. Tháng 9/1954, ông Sơn là một trong số những người đầu tiên thuộc quân số của Sư đoàn 349 (Bộ Tư lệnh Pháo binh), trung tâm chỉ huy đóng tại Trại Cờ.
Lữ đoàn Pháo binh 164 (Đoàn Pháo binh Bến Hải) thuộc Quân đoàn 12 cũng được thành lập ngày 25/10/1954 tại chính khu Trại Cờ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho Sư đoàn bộ binh 325 và 304 tiến công phá tan tuyến phòng thủ kiên cố của địch trên hướng Đông Bắc, nổ súng mở màn cho cuộc tổng công kích vào nội đô Sài Gòn. Tổng kết sau chiến tranh, Lữ đoàn đã tham gia 2.486 trận đánh trên khắp các chiến trường; tiêu diệt 24.777 tên địch, bắt sống 322 tù binh, bắn cháy và phá hủy 296 khẩu pháo, 65 máy bay, 437 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Nếu Bắc Giang là “chiếc nôi” của bộ đội tên lửa Việt Nam thì Trại Cờ chính là nơi thành lập “Trung đoàn Tên lửa Phòng không” (phiên hiệu là E228B) - đơn vị tiền thân của bộ đội tên lửa. Ngay sau khi thành lập (ngày 1/7/1963), đơn vị dự kiến hành quân bằng tàu hỏa sang Liên Xô huấn luyện chuyển binh chủng tên lửa và nhận khí tài về nước chiến đấu. Tuy nhiên, theo mệnh lệnh của cấp trên nên đơn vị được lệnh dừng hành quân, chuyển sang huấn luyện tại chỗ.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sơn (bên phải) kể về Sư đoàn 349 đóng tại Trại Cờ.
Thời kỳ này, tại Trại Cờ, E228B trở thành một trung tâm huấn luyện, một trường văn hóa đặc biệt, toàn diện nhất. Cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện, học tập đủ trình độ chính trị, đủ tinh thần, thể lực và kiến thức để tiếp thu kỹ thuật tên lửa phòng không hiện đại của Liên Xô. Bộ đội tên lửa càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng hay. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Tên lửa phòng không đã bắn rơi 788 máy bay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc. Sau này, E228B chuyển về Mỏ Chén (Sơn Tây, Hà Nội).
Ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1947) quê ở Hà Tĩnh đang sinh sống ở thôn Đức Nghiêm, xã Ngọc Sơn từng là lái xe của Trung đoàn Tên lửa 278. Năm 1968, đơn vị ông cơ động về đóng quân tại Trại Cờ. “Tại đây, bộ đội ta đã bí mật lắp ráp tên lửa trong những lùm cây um tùm, cất giấu phương tiện, khí tài. Chúng tôi được nhân dân hết sức che chở, bí mật bảo vệ. Là lái xe tôi thấy đường sá, địa hình ở đây thuận lợi cho cơ động, vận chuyển vũ khí, khí tài”- ông Tùng nhớ lại.
Lữ đoàn Pháo binh 675 (Trung đoàn sơn pháo đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập năm 1950 tại tỉnh Cao Bằng cũng có một thời gian đóng quân tại Trại Cờ. Với phương châm tác chiến “đưa pháo lên cao, vào gần, bí mật tiếp cận mục tiêu, bắn chính xác từng viên đạn”, Lữ đoàn vinh dự được Bác Hồ khen tặng danh hiệu “Đoàn Pháo binh Anh dũng”; hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tương tự, Lữ đoàn Pháo binh 382 (Quân khu 1) cũng có thời gian dài đóng tại đây.
Năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trùm lên khắp miền Bắc. Ở miền Nam, cuộc chiến cũng ngày càng mở rộng và ác liệt. Để chuẩn bị lực lượng hậu bị lâu dài cho quân đội, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao Trường Văn hóa quân đội tạm dừng nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa để chuyên tổ chức đào tạo thiếu sinh quân. Phần nhiều là con em cán bộ quân đội đang trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác ở các chiến trường và con em gia đình có công với nước.
Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Nghị, khóa 6 (nhập học tháng 6/1965) kể: “Chúng tôi học tập, ăn nghỉ tại Trại Cờ. Sáng ôn bài, chiều đá bóng, tối chơi trốn tìm. Rồi có những buổi ra nông giang bơi. Khi có những chiếc máy bay Mỹ to như tấm phản bay qua bay lại trên đầu thì cả nhóm được đưa lên xe, phi thẳng lên Đại Từ (Thái Nguyên) tránh bom”. Được biết, từ năm 1971-1974, Trại Cờ còn có xưởng lắp ráp máy bay tiêm kích MIG 17, MIG 19 và các loại tên lửa đất đối không. Thời đó, người dân có thể nhìn thấy các “Con én bạc” nằm rải rác trên đường làng, ngõ xóm của xã Ngọc Sơn và một số xã lân cận.
Hiện nay, tại Trại Cờ có Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không-Không quân cơ sở 2 đóng quân. Thượng tá Lê Khắc Hòa, Phó Chủ nhiệm Chính trị nhà trường thông tin: Trong doanh trại của trường có tấm bia lưu niệm về nơi thành lập “Trung đoàn Tên lửa Phòng không” và tấm bia khắc tên các liệt sĩ E228B hy sinh. Cứ 10 năm một lần vào ngày thành lập 1/7, Trung đoàn lại tổ chức gặp mặt. Bên bia lưu niệm, các cựu chiến binh thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ và đồng đội từ trần tại quê hương; thăm hỏi nhau, ôn lại kỷ niệm Trại Cờ, kỷ niệm chiến đấu.
Ông Dương Văn Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Sơn cho biết: “Trên địa bàn xã, dấu tích của những trận địa tên lửa, ụ pháo, ụ đất vẫn còn. Tự hào là nơi nhiều đơn vị quân đội chọn làm nơi thành lập, đóng quân, chúng tôi luôn tuyên truyền đến nhân dân, đến thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương. Chính vì vậy, năm nào xã Ngọc Sơn cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân nghĩa vụ quân sự. Năm nay đã có 25 thanh niên của xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, góp sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bài, ảnh: Thu Phong
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/trai-co-con-day-tran-dia-cu-dau-xua-103706.bbg