Người dân đi bộ trên Quảng trường Thời Đại ở New York (Mỹ) trong ngày nắng nóng. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo dự báo 5 năm từ 2025 - 2029 của hai tổ chức khí hậu trên, khoảng 80% khả năng thế giới sẽ phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ hằng năm trong 5 năm tiếp theo và thậm chí còn có khả năng cao hơn nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vượt ngưỡng mục tiêu đưa ra cách đây 10 năm. Dự báo dựa trên hơn 200 dự báo do 10 trung tâm khoa học toàn cầu thực hiện.
Báo cáo cho biết lần đầu tiên có khả năng vào trước cuối thập kỷ này, thế giới sẽ chứng kiến nhiệt độ trung bình hằng năm vượt quá mục tiêu đặt ra tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C hoặc tốt hơn là 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Báo cáo nêu rõ có đến 86% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu của một trong 5 năm tới sẽ tăng trên mức 1,5 độ C và 70% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong cả giai đoạn 5 năm tới sẽ cao hơn mức này.
Giáo sư Richard Betts thuộc Đại học Exeter, người đứng đầu nghiên cứu về tác động của khí hậu tại Met Office, cho biết với dự báo nhiệt độ trung bình Trái Đất 5 năm tới tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người hơn phải hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt có thể gây tử vong và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, thế giới cũng sẽ chứng kiến các vụ cháy rừng nghiêm trọng hơn do bầu khí quyển nóng hơn.
Giám đốc bộ phận khí hậu tại WMO Chris Hewitt cảnh báo băng ở Bắc Cực, nơi sẽ tiếp tục nóng lên nhanh hơn 3,5 lần so với phần còn lại của thế giới, sẽ tan chảy và khiến mực nước biển dâng nhanh hơn. Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về khí hậu Natalie Mahowald thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cũng cho rằng nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh, thế giới sẽ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn như bão mạnh hơn, lượng mưa lớn hơn, hay hạn hán nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại nhiều hơn.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam tại Đức Johan Rockstrom nhận định nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ cần tăng thêm 0,1 độ C, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến con người phải hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, đặc biệt là các đợt nắng nóng, hạn hán, mưa bão, lũ lụt và hỏa hoạn.
Trần Quyên (TTXVN)