Trai làng Đăm căng mình luyện đua thuyền trước ngày hội lớn.
Sau nhiều năm vắng bóng, dòng sông làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) lại rộn ràng tiếng hô, tiếng mái chèo rẽ nước, báo hiệu ngày hội đang đến gần.
“Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa”. Cứ 5 năm một lần, vào dịp tháng Ba (âm lịch), những người con làng Đăm cũng như du khách gần xa lại nô nức tham dự lễ hội bơi Đăm truyền thống.
Phường Tây Tựu vốn xưa kia là làng Đăm (kẻ Đăm) với ba thôn: Thượng, Trung và Hạ. Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 âm lịch, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu.
Theo các cụ cao niên, hội làng Đăm có từ những năm 60 sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại. Thời đó, nơi đây là một vùng hoạt động quan trọng của nghĩa quân Hai Bà Trưng, được Thánh Bạch Hạc Tam Giang hiển linh phù trợ. Trước đây, năm nào được mùa thì dân làng tổ chức lễ hội lớn và kéo dài trong suốt 5 ngày. Ngày nay, lễ hội làng Đăm được tổ chức 5 năm một lần.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chiều 31/3 (tức 3/3 Âm lịch) rất đông thanh niên luyện tập nghiêm túc dù thời tiết rất lạnh.
Cuộc tập dượt diễn ra trên con sông ngay rìa làng, là một nhánh của sông Nhuệ.
Theo tìm hiểu của PV, trên mỗi thuyền có 8 tay bơi và một số người trợ giúp như: người lái, người gõ lệnh, người phất cờ, người gõ mõ, người cầm sào và một người chuyên múc nước.
Người gõ mõ đứng trên thuyền trong suốt cuộc đua, vừa gõ theo nhịp chèo, vừa nhún nhảy rất lạ mắt.
Tiếng khẩu lệnh vang dội cả khúc sông, mỗi cú kéo mái chèo là một lần thể hiện sự quyết tâm và tinh thần tập thể.
Nhịp chèo dồn dập – khí thế hừng hực.
Ngày 30/1/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận lễ hội bơi Đăm truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.