Ngôi nhà sàn bê tông bền chắc và đẹp ở Làng Nủ mới. Ảnh: Quốc Hồng
Chúng tôi trở lại Làng Nủ vào thời điểm những ngày cuối năm 2024.
Khu nhà tái định cư ở Làng Nủ mới hiện lên trong nắng sớm đẹp như mơ, với những ngôi nhà sàn bê tông kiên cố, đường bê tông rộng rãi và những vườn hoa nhiều sắc màu.
Làng Nủ càng đẹp hơn bởi những câu chuyện nhân văn đầy tình người - như câu chuyện của 3 người dân Làng Nủ tự nguyện viết đơn gửi lãnh đạo xã Phúc Khánh xin không nhận nhà tái định cư của thân nhân mình - với mong muốn nhường những ngôi nhà "đẹp như mơ" này cho những người dân khác cũng đang có cuộc sống quá khó khăn.
Những mất mát đau thương đã qua - nhường nhà của thân nhân cho những người đang bộn bề khó khăn trước mắt, theo họ, là để "cùng vui sống".
"Mình đã có nhà rồi - xin nhường nhà của thân nhân cho bà con còn khó khăn hơn trong cuộc sống"
Gặp chúng tôi, chị Sầm Thị Nhiên, 26 tuổi (con dâu của ông Nguyễn Văn Sứ - đã mất), đang dọn dẹp vật dụng để chuẩn bị vào căn nhà sàn số 17 ở Khu tái định cư Làng Nủ mới.
Khuôn mặt đã bớt u buồn sau những mất mát đã qua, chị cho biết sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất trở lại bình thường để chuẩn bị đón Tết nguyên đán 2025.
Chị Sầm Thị Nhiên mang tâm thế lạc quan khi bắt đầu cuộc sống mới trong căn nhà mới của mình ở Khu tái định cư Làng Nủ mới. Ảnh: Quốc Hồng
Chị Nhiên tự nguyện viết đơn nhường lại ngôi nhà của thân nhân là bố mẹ chồng đã mất vì lũ dữ cho người khác còn khó khăn về nhà ở. Ảnh: Quốc Hồng
Chị Nhiên tự nguyện viết đơn xin nhường lại ngôi nhà của thân nhân là bố mẹ chồng chị đã mất vì lũ dữ.
Chị Nhiên cho biết, các thành viên khác trong gia đình bố mẹ chồng chị đã mất hết trong trận lũ dữ nên hai vợ chồng chị thống nhất nhường lại căn nhà tái định cư của gia đình chồng chị cho những hộ khó khăn hơn.
Chị Nhiên thổ lộ: "Mình đã có nhà rồi - xin nhường nhà của thân nhân cho bà con còn khó khăn hơn trong cuộc sống, cũng là tiếp tục san sẻ tình yêu thương của người dân cả nước cho bà con Làng Nủ".
Chị Nguyễn Thị Sành sắp xếp đồ đạc - mang hơi ấm vào căn nhà tái định cư ở Làng Nủ mới. Ảnh: Quốc Hồng
Còn trong căn nhà số 6, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sành và anh Hoàng Đức Lương cũng đang tất bật dọn vào ngôi nhà mới. Các vật dụng đã được kê gọn gàng, những tấm rèm mới cũng vừa được lắp đặt để tạo những không gian riêng trong nhà theo phong tục, tập quán.
Nhớ lại hôm xảy ra lũ quét, chị Sành vừa cảm thấy may mắn, vừa cảm thấy đau đớn, xót xa - khi hai vợ chồng chị hôm ấy đi làm không ở nhà, nhưng đứa con trai lớn của anh chị và bố mẹ của chị Sành thì không có được may mắn ấy, dòng lũ dữ đã mang họ đi mãi mãi.
"Thương bố mẹ, thương con mình lắm, ban đầu cũng muốn nhận căn nhà riêng của bố mẹ để hương khói cho người thân, nhưng nghĩ đến những người đang sống vẫn còn bao hoàn cảnh còn khó khăn hơn, nên mình đã viết đơn...".
Trình bày trong đơn, chị Sành viết xin được dành lại ngôi nhà tái định cư cho các hộ gia đình khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Vợ chồng chị Sành và anh Lương bên ngôi nhà mới của mình ở Khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Quốc Hồng
Cũng là 1 trong 3 người dân Làng Nủ viết đơn nhường lại ngôi nhà của thân nhân - anh Nguyễn Xuân Dương, 27 tuổi, là em trai ruột của ông Nguyễn Văn Dóng cho chúng tôi biết: cả gia đình người anh trai đã bị dòng lũ dữ cướp đi sinh mạng sau vụ lũ quét tàn khốc xảy tại Làng Nủ ngày 10/9.
Trong niềm đau xót và sự mất mát lớn, anh Dương biết là mình có thể đón nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân cả nước dành cho bà con Làng Nủ, có thể nhận nhà tái định cư để thờ tự cho anh trai và các cháu của mình tại đó. Nhưng, anh Dương cũng thấy còn có những bà con hàng xóm láng giềng của mình ở Làng Nủ tuy không mất người nhưng nhà cửa và tài sản cũng bị lũ dữ cuốn đi, lâm vào cảnh trắng tay, phải làm lại từ đầu.
"Mình đã có gia đình và ra ở riêng nên sẽ việc thờ tự tại anh trai cùng các cháu tại chính ngôi nhà của mình đang ở sẽ ấm áp và gần gũi hơn" - anh Dương chia sẻ, đôi mắt anh đỏ hoe khi nhắc nhớ về người thân đã bị lũ cướp đi cuộc sống.
Cũng như chị Nhiên, chị Sành - anh Dương đã tự tay viết lá đơn xin được nhường ngôi nhà của thân nhân ở Khu tái định cư trên Làng Nủ mới cho bà con khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hành động nhường nhà tái định cư của người dân Làng Nủ là hành động đẹp, lan tỏa tình người đùm bọc, san sẻ khó khăn sau thiên tai tàn khốc - để Làng Nủ hồi sinh ngày càng mạnh mẽ hơn.
Làng Nủ mới đang hồi sinh... Ảnh: Quốc Hồng
Sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng - mấu chốt để khu tái định cư Làng Nủ thực sự là khu làng nhân văn, hạnh phúc
Bà Vũ Thị Tư - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) cho biết khi mưa lũ xảy ra, cán bộ thôn Làng Nủ đã thống kê có 40 căn nhà bị sập nhà, cuốn trôi và có người chết, mất tích.
Con số 40 căn nhà này là tất cả các nóc nhà trong vùng tâm lũ Làng Nủ. Thời điểm đó mọi công việc đều tập trung dồn sức cho tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, công việc bộn bề, việc tiếp cận từng căn nhà rất khó khăn. Vì thế khi tiến hành lập các phương án tái định cư cho hộ dân đều căn cứ vào con số này.
Sau khi lũ qua đi, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Yên - xã Phúc Khánh phối hợp với thôn bình xét các hộ đủ tiêu chuẩn sẽ được hỗ trợ nhà tại khu tái định cư.
Quá trình xét duyệt các hộ đều được tiến hành công khai, minh bạch căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của tỉnh, huyện.
Bà Vũ Thị Tư - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh trao đổi với các nhà báo về việc làm ý nghĩa của các hộ tự nguyện nhường nhà cho người còn khó khăn và công việc sắp tới ở Làng Nủ mới. Ảnh: Quốc Hồng
Trước ngày bốc thăm chọn vị trí, xã Phúc Khánh tổ chức họp rà soát, thống nhất lần cuối các hộ trong diện ở tái định cư. Khi đó, thôn đề xuất tái định cư cho 36 hộ, trong đó 3 hộ không còn ai.
3 chủ hộ là các ông Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Văn Dóng đều đã qua đời. Đồng thời, các con, anh, em của 3 nạn nhân xấu số này cũng trong cảnh trắng tay do lũ quét và đều đã được nhận nhà tái định cư, nên họ đã làm đơn xin không nhận nhà của thân nhân, để nhường cho các trường hợp khó khăn hơn.
Ngoài 3 ngôi nhà trên, hiện nay tại khu tái định cư Làng Nủ còn 4 ngôi nhà khác chưa được bàn giao.
Trước đó, có 4 hộ gia đình trong tâm lũ khu Làng Nủ cũ đã đưa vào danh sách ban đầu nhưng rà soát lại thì thấy các hộ này không bị ảnh hưởng về người và tài sản, không trong khu vực nguy cơ sạt lở. Đối chiếu với hướng dẫn của tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại về nhà do ảnh hưởng của bão số 3, các hộ gia đình này chưa đủ tiêu chuẩn.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết, trước mắt chính quyền địa phương sẽ tiếp quản, bảo vệ tài sản 7 công trình chưa được bàn giao cho người dân.
Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ xin ý kiến của tỉnh, huyện bố trí nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng hoặc các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt không thể tiếp tục sinh sống ở nơi ở cũ, phải bố trí tái định cư.
Trong thời gian tới, xã Phúc Khánh sẽ xin ý kiến huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai để sắp xếp, bố trí 7 ngôi nhà còn lạị cho phù hợp để người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Ảnh: Quốc Hồng
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh khẳng định từ khi triển khai xây dựng khu tái định cư, những nội dung quan trọng như chọn vị trí tái định cư, số lượng căn hộ, thiết kế nhà ở, nhà văn hóa, trường học cho đến các nội dung chi tiết như chọn màu gạch, màu mái tôn, vị trí cầu thang… cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân.
Công tác tổ chức bốc thăm, chọn vị trí cũng được thôn tổ chức với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân đảm bảo công khai, minh bạch.
Trước ngày khánh thành, thôn cũng đã họp, bàn thảo, thông qua quy chế quản lý khu dân cư.
Cổng vào Làng Nủ mới. Ảnh: Quốc Hồng
"Chúng tôi rất trăn trở và mong muốn các hộ bị thiệt hại về người, tài sản trong trận lũ dữ vừa qua đều được hỗ trợ nhà ở tái định cư, tuy nhiên, việc xét duyệt đối tượng phải đúng quy định, đồng thời phải được sự đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng để khu tái định cư Làng Nủ thực sự là khu làng nhân văn, hạnh phúc" - Bà Vũ Thị Tư chia sẻ.
Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ do do Quỹ tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công.
Dự án khởi công vào ngày 21/9, hoàn thành ngày 15/12 sau 68 ngày nỗ lực thi công. Khu tái định cư nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn thiết kế theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2; một điểm trường rộng 200m2 gồm 2 lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước.
Quốc Hồng- Mạnh Dũng