Trái mận 'lạ' giá cao đang gây sốt

Trái mận 'lạ' giá cao đang gây sốt
5 giờ trướcBài gốc
Tại huyện Kế Sách, thủ phủ cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, giống mận hồng MST đang được nhiều nhà vườn nhân rộng.
Ông Trần Văn Toàn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách - cho biết, loại mận này không chỉ cho năng suất cao mà còn có chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, bán được giá tốt.
Trái mận hồng MST có màu sắc bắt mắt, giòn ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Mận hồng MST viết tắt từ “mận Sóc Trăng” - là giống mới được được tuyển chọn trong quá trình trồng giống đột biến. Trái mận khi còn non có màu hồng nhạt, khi chín chuyển sang đỏ đậm bắt mắt. Mận giòn, ráo nước và có vị ngọt đặc trưng.
Theo ông Toàn, mận được canh tác theo hướng an toàn, giá bán tại vườn lên đến 80.000 đồng/kg, giúp nhà vườn thu vài trăm triệu đồng mỗi công đất (1 công 1.000m2).
Tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, ông Trần Anh Nhân - Giám đốc Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng Cồn Mỹ Phước - cho biết, đây là giống mận ngọt vượt trội so với nhiều loại mận thông thường. Trái to, giòn, mẫu mã đẹp, được thị trường đón nhận tích cực.
Mận hồng MST từng bước vươn ra thị trường quốc tế, có đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu và Đài Loan - Trung Quốc.
Giống mận này sinh trưởng tốt tại Sóc Trăng, cho trái quanh năm. Cây liên tục ra hoa, đậu quả, cho thu hoạch luân phiên. Bình quân mỗi trái nặng từ 100-200g, thậm chí có trái to đến mức 4 trái/kg. Từ hơn 100 cây ban đầu, hợp tác xã đã mở rộng lên 25ha sau 6 năm.
Ông Nhân cho biết thêm, hiện hợp tác xã đang canh tác theo hướng hữu cơ, không dùng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi chùm hoa được bao lại từ khi nở đến lúc thu hoạch bằng túi giấy nhằm bảo vệ chất lượng trái. Hợp tác xã đang hướng đến mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và truy xuất nguồn gốc để tăng tính cạnh tranh.
Ở xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, ông Nguyễn Văn Nhựt từng trồng thanh long nhưng gặp khó đầu ra, nay chuyển sang trồng mận hồng MST. Chỉ sau 10 tháng, cây đã bói quả. Ông đầu tư kỹ thuật để tăng tỷ lệ đậu trái và đạt năng suất cao. Với 150 cây trên diện tích 3.000m², ông thu khoảng 16 tấn/năm, bán với giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm, chưa tính lợi nhuận từ cây giống.
Nhà vườn bao trái bằng túi giấy để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cù Lao Dung - nhận định, giống mận hồng MST phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, hiện toàn huyện đã có trên 50 ha trồng loại mận này, riêng xã An Thạnh 1 có khoảng 7ha.
Ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, mận hồng MST còn được xuất khẩu sang châu Âu, Đài Loan - Trung Quốc thông qua một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Nhân, điểm yếu của mận là thời gian bảo quản ngắn, dễ nứt khi chín nếu không thu hoạch kịp. Nếu trồng ồ ạt mà thiếu liên kết và đầu ra ổn định, nguy cơ “cung vượt cầu” là điều khó tránh khỏi.
“Khác với bưởi hay nhãn có thể neo lại trên cây chờ giá, mận chín phải thu hoạch ngay, nếu không sẽ hỏng, mất giá” - ông Nhân cảnh báo và khuyến nghị nông dân cần liên kết thành vùng trồng lớn, theo quy trình xuất khẩu để nâng giá trị và giảm thiểu rủi ro.
Mận hồng MST đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có vài chục ha mận hồng MST. Ngành nông nghiệp địa phương đang xúc tiến chứng nhận cây đầu dòng, quy hoạch vùng trồng, xây dựng mô hình kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái.
Ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - cho biết, mận hồng MST đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng theo hướng có kiểm soát, chọn lọc khu vực phù hợp, nhằm tránh “vết xe đổ” của một số loại nông sản từng bị trồng ồ ạt dẫn tới dư thừa, khó tiêu thụ.
Nhật Huy - Xuân Lương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/trai-man-la-gia-cao-dang-gay-sot-post1731184.tpo