Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ

Trải nghiệm khó quên ở Bắc Bộ phủ
4 giờ trướcBài gốc
Du khách xếp hàng vào thăm quan Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.
Với nhiều người đây là trải nghiệm khó quên khi được bước vào, trực tiếp ngắm nhìn một di sản văn hóa có tuổi đời trên 100 năm.
“Xếp hàng chờ lâu ư, không sao!”
Những ngày đầu Đông vắng vẻ hơi lạnh, vẫn vương lại nắng trái mùa, khá oi ả. Và dù mặt trời đã gần đứng bóng nhưng dòng người xếp hàng chờ đến lượt vào tham quan Bắc Bộ phủ vẫn tiếp tục nối dài ở khúc cua đoạn phố Ngô Quyền rẽ sang Lê Thạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Mỗi người cần kiên nhẫn chờ đợi khoảng 30 phút nhưng không ai tỏ ra sốt ruột hay khó chịu. Trái lại, mọi người đều vui với những câu chuyện về điểm tham quan này với không ít ấn tượng về vẻ đẹp kiến trúc của tòa nhà, nhất là qua nhận diện độc đáo của mái hiên hình cánh hoa bằng kính và kim loại.
Song bao nhiêu năm qua, tất cả đều chỉ có thể ngắm nhìn hoặc chụp hình ở bên ngoài mà chưa một lần được đặt chân vào trong. Vậy nên, khi biết tin Bắc Bộ phủ lần đầu mở cửa đón khách trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 nên không ai muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm có này cùng “tuyên bố”: “Phải xếp hàng chờ lâu ư, không sao!”.
“Hình ảnh Bắc Bộ phủ đã rất quen thuộc với các thế hệ học trò trong những bài học lịch sử, nhất là khi nói về thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám có bức ảnh khởi nghĩa Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An hay ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại sảnh sau của Bắc Bộ phủ do Thông tấn xã Việt Nam chụp.
Khi lên Hà Nội học đại học, mỗi lần lên phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, em thường rủ bạn đến đây để chụp ảnh và vẫn nghĩ rằng chỉ có thể ngắm nhìn di tích lịch sử từ bên ngoài như thế.
Nhưng thật bất ngờ khi dịp này chúng em có thể vào trong tham quan. Thế nên, có thể phải xếp hàng chờ đợi lâu một chút rồi được chính thức đặt chân vào Bắc Bộ phủ thì em vẫn thấy bản thân thật may mắn”, Hạ An sinh viên năm thứ 4 khoa tiếng Trung (Đại học Hà Nội) cho biết.
Ông Việt Hưng (Linh Đàm, Hà Nội) cũng chia sẻ, mấy mươi năm công tác, lập nghiệp ở đây ông vẫn thường xuyên đi qua Bắc Bộ phủ. Lần này nghe con gái chia sẻ thông tin di tích mở cửa đón khách, cả nhà liền lên kế hoạch đến thưởng lãm.
“Tôi không bất ngờ khi bản thân và các thành viên trong gia đình phải xếp hàng chờ đến lượt. Cũng vì, lần đầu được mở cửa nên ai cũng có niềm mong mỏi như gia đình tôi là được một lần đặt chân. Xếp hàng và cùng mọi người chờ thêm chút cũng không sao. Nhiều khi sự chờ đợi này càng đem đến cho mọi người cơ hội giao lưu cùng không ít hồi hộp, hào hứng”, ông nói.
Giữa những háo hức, mong chờ ấy của du khách, các tình nguyện viên tích cực đem đến những làn gió mát lành xua bớt cái oi ả theo từng nhịp quạt giấy đưa lên mạnh mẽ. Đi cùng với đó là lời chân tình và dễ thương rằng: “Mong các cô bác, anh chị thông cảm, chờ đợi thêm một lát…”. Đáp lại là bao ánh nhìn trìu mến, xúc động của du khách, nhất là khi thấy trên gương mặt các bạn trẻ rịn mồ hôi mà nụ cười vẫn tươi, làn gió đưa tới vẫn mạnh mẽ…
“Trong suốt khoảng thời gian mở cửa, không riêng gì ngày cuối tuần mà gần như lúc nào Bắc Bộ phủ cũng được đón nhiều du khách đến tham quan, có khi chỉ nửa ngày mà có tới hơn 3.000 lượt.
Thế nên, có người “hé lộ” rằng đã cùng bạn “trốn ăn sáng, trốn việc để đến đây” trong cuốn sổ lưu lại cảm xúc. Đội tình nguyện viên phụ trách điểm chạm này như chúng em không cảm thấy mệt, kể cả phải làm việc thông trưa”, tình nguyện viên Dương Tú Phương bày tỏ.
Người trẻ check in tại Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.
Ấn tượng và độc đáo
Để đảm bảo việc tham quan đạt hiệu quả, mỗi đợt có khoảng vài chục du khách với 5 – 7 phút dừng chân trong Bắc Bộ phủ. Vì vậy, ai cũng rất tranh thủ check in và ngắm nhìn hiện vật, đọc tư liệu giới thiệu về các sự kiện lịch sử gắn liền với địa danh này. Ngoài phía sảnh trước cùng khu vườn sau, các hoạt động diễn ra trong tầng 1 và tiếp tục giới hạn chỉ di chuyển ở lối giữa đi từ phía trước ra phía sau tòa nhà.
Từ lối này, mọi người có thể thưởng lãm và cảm nhận về kiến trúc mang phong cách cổ điển châu Âu hài hòa cùng kiến trúc bản địa. Đó là những đường nét mềm mại, bay bổng trên ô cửa, cầu thang, riềm cửa hay đóa hoa đắp nổi… cách đây hơn 100 năm vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.
Du khách dừng chân lâu hơn trước 2 phòng khách và bên những áp phích giới thiệu về Bắc Bộ phủ (lược sử). Đọc các tấm áp phích, nghe hướng dẫn viên kể chuyện, mọi người được hiểu hơn về di tích.
Chẳng hạn, công trình được kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế, ông cũng là tác giả của Sở Bưu điện Trung ương (1899), nhà đấu xảo (1901-1902), chợ Đồng Xuân (1906), Trường Albert Sarraut (1915)…
Tòa nhà gồm 3 tầng, trong đó tầng hầm là kho, các phòng phục vụ và một phần bộ phận hành chính; tầng một là các phòng khách lớn, nhỏ, phòng tiếp tân, phòng đợi, phòng làm việc, giải trí; tầng hai là phòng họp lớn của Hội đồng Bắc kỳ và các phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi; giữa sảnh có thang lớn, hai đầu có các thang tròn nhỏ…
Hay như sự thay đổi tên gọi của tòa nhà gắn liền với các dấu mốc lịch sử từ Phủ Thống sứ Bắc kỳ (trước năm 1945) đến Phủ Khâm sai Bắc bộ (Khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945) và khi Cách mạng tháng Tám thành công quần thể này được gọi là Bắc Bộ phủ.
Nhất là câu chuyện vì sao kiến trúc của công trình có sự giao thoa Đông - Tây và hiểu rõ hơn về mái sảnh. Cụ thể: Trong bản thiết kế lập năm 1909, tòa nhà được thiết kế theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển gồm một tầng hầm, 2 tầng nổi và một tầng áp mái.
Phòng khách của Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.
Du khách nghe hướng dẫn viên giới thiệu về Bắc Bộ phủ. Ảnh: Bình Thanh.
Phần mái thiết kế theo kiểu mái Manstart đặc trưng của Pháp với chiều cao và độ dốc lớn, chạy dài toàn bộ mặt tiền tòa nhà. Tuy nhiên đến năm 1918 khi tòa nhà được xây dựng, hình thức kiến trúc đã có nhiều thay đổi. Đây cũng là tình hình chung của nhiều tòa công sở ở Đông Dương lúc đó.
Điều này được thể hiện rõ nét ở khu vực sảnh trước. Nếu tạo hình mái có nét tương đồng với hệ thống mái ga tàu điện ngầm Metroplitan – Paris đầu thế kỷ 20 thì hoa văn được khảm hình rồng, hình chữ Hán ở hiên.
Rõ ràng, kiến trúc sư Adolphe Bussy đã sáng tác một số trang trí lấy cảm hứng từ văn hóa Á Đông. Bởi vậy, kiến trúc Bắc Bộ phủ năm 1918 đã được cập nhật lại theo xu hướng thiết kế mới nhất ở chính quốc và xu hướng kết hợp Đông – Tây mới nổi lên ở Việt Nam lúc đó.
Có thể nói, trước một di tích bề thế về kiến trúc hơn 100 năm tuổi cũng như mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử quý giá, trải nghiệm này tạo cảm giác khá gấp về thời gian và hạn hẹp về không gian.
Và cùng với thắc mắc vì sao không được tham quan toàn bộ tòa nhà thì không ít người vừa trở ra phía ngoài liền quay lại và xếp hàng vào thưởng lãm lần hai, thậm chí lần ba vì muốn lưu cho mình những cảm nhận đặc biệt, có một không hai của không gian lịch sử đặc biệt này.
Nhiều người còn ghi cảm xúc khó quên về lối thiết kế và bài trí độc đáo: “Một trải nghiệm ấn tượng và độc đáo. Tôi rất trân trọng” (TS. KTS Tạ Thị Thu Hương), “Ấn tượng với kiến trúc tráng lệ” (sinh viên Thu Hồng), “Kiến trúc, bài trí rất đẹp mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Yêu Hà Nội, yêu Việt Nam” (Việt Linh)… Thậm chí, khi được tận mắt ngắm nhìn phòng tiếp khách sang trọng, lịch lãm, không ít bạn trẻ còn dí dỏm chia sẻ về tương lai: “Mình sẽ trở lại đây, là thành viên của Bộ Ngoại giao!”.
Việc mở cửa đón khách của di tích lịch sử cách mạng Bắc Bộ phủ (Nhà khách Chính phủ) nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, cùng với những di sản: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp). Những điểm này cùng thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có.
Diễn ra từ ngày 9 – 17/11, lễ hội được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... Không gian lễ hội được đặt tại quận Hoàn Kiếm, trải rộng theo tuyến, từ điểm đầu tới điểm cuối cách nhau gần 3km và đón tiếp gần 30 vạn nhân dân, du khách tới thưởng lãm, trải nghiệm.
Lễ hội được ví như “đại tiệc” sáng tạo thú vị, đa sắc màu thể hiện sự tài hoa của nhiều thế hệ nhân dân Thủ đô. Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan tỏa tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận huyện, thị xã. Các hoạt động được tổ chức là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn những ý tưởng sáng tạo vào những ký ức của cộng đồng, nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.
Cùng với đó, lễ hội còn có một loạt thí điểm như: Tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai; tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành thí điểm triển khai bán “tour sáng tạo”; thử nghiệm ứng dụng công nghệ giúp công chúng chủ động lựa chọn, thuê “trợ lý chuyến đi” cùng tự thiết kế tour.
Các chuyên gia sáng tạo cũng vào cuộc thử nghiệm dẫn “tour giám tuyển”, “tour kiến trúc sư”, “tour nghệ sĩ”. Các thí điểm đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đem lại những nét mới, tạo sự khác biệt, tăng thêm sức hấp dẫn, gợi ý nhiều hướng khai thác các sản phẩm dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo Hà Nội.
Bình Thanh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/trai-nghiem-kho-quen-o-bac-bo-phu-post709489.html