Nghề làm hương hương truyền thống được duy trì qua nhiều thế hệ.
Từ nguyên liệu tự nhiên đến que hương truyền thống
Hương Phja Thắp vốn được biết đến bởi quy trình sản xuất thuần tự nhiên, nguyên liệu là những loại cây: bầu hắt, cây gạo, cây mai. Quy trình làm hương bắt đầu từ việc lấy lá cây bầu hắt (theo cách gọi của người dân tộc Tày) - loại lá rừng đóng vai trò như keo tự nhiên để liên kết các nguyên liệu khác. Sau khi thu hoạch từ rừng tự nhiên, lá cây được phơi ngoài nắng trong khoảng thời gian nhất định sau đó được đưa vào máy để nghiền. Đây là công đoạn duy nhất được cơ giới hóa trong quá trình sản xuất hương, cùng với việc nghiền mùn cưa.
Cũng ở giai đoạn chuẩn bị, đối với chân hương được lấy từ cây mai cắt khúc, mỗi khúc dài khoảng 40 cm sau đó chẻ nhỏ thành que hương tiêu chuẩn. Hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, người nghệ nhân sẽ nhúng que hương qua nước và lăn qua bột bầu hắt đã được nghiền nát, thao tác này sẽ được thực hiện lặp lại 4 lần. Công đoạn này yêu cầu người làm phải đều tay để tạo ra được cây hương đều và đẹp. Hương sau khi được lăn xong sẽ phơi nắng nhiều giờ và để hoàn thiện thì que hương sẽ được lăn qua bột cây khảo để tạo màu vàng và hương thơm, đây chính là bí quyết tạo nên hương thơm độc đáo và riêng biệt cho từng que hương.
Với tình yêu dành cho người làm hương, người dân nơi đây quan niệm khói hương là sợi dây gắn kết tinh thần đồng thời nó cũng thể hiện sự ngưỡng vọng và biết ơn của người còn sống đối với tổ tiên khi đã về với đá núi. Cô Hoàng Thị Bày, một hộ làm hương ở làng Phja Thắp cho biết: Vì nghề làm hương là một nghề truyền thống nên việc gia đình cô nói riêng cũng như bà con dân tộc Nùng An trong xóm nói chung tiếp tục theo nghiệp này giống như đang tiếp bước hành trình mà ông cha để lại, cô cảm thấy vinh dự khi là một phần của việc bảo tồn và duy trì nét văn hóa của làng. Song việc làm hương cũng không tránh khỏi khó khăn khi thiếu nguyên liệu. Thông thường, sau một đợt thu hoạch lá, cây bầu hắt sẽ bị chặt đi và phải đợi từ 2 đến 3 năm mới có lại, ảnh hưởng tiến độ làm việc và số lượng sản phẩm. Ngoài ra việc đảm bảo độ khô của que hương rất quan trọng. Với những đợt mưa nhiều, hương không được phơi đủ thời gian nắng (từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày) không bán được vì chất lượng kém.
Phát triển du lịch cộng đồng từ nghề truyền thống
Do được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự chăm chút tỉ mẩn cao và chịu sự cạnh tranh từ các loại hương công nghiệp xuất hiện trên thị trường nên có những thời điểm, nghề làm hương Phja Thắp đứng trước nguy cơ dần mai một.
Khách du lịch nước ngoài tìm hiểu sản phẩm hương Phja Thắp.
Trước thực tế này, để giữ gìn và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của địa phương, từ năm 2016, Phja Thắp được lựa chọn là một trong 7 thôn bản của tỉnh được đầu tư làm du lịch cộng đồng, trên cơ sở khai thác tài nguyên văn hóa của các dân tộc và được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào năm 2021. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng An dưới chân núi Phà Hùng mà còn giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, xóm Phja Thắp có 51 hộ sinh sống, trong đó có 49 hộ duy trì làm nghề hương. Nghề này giúp cải thiện đời sống kinh tế nâng cao thu nhập của người dân địa phương, với mức thu nhập đạt 58,3 triệu đồng/người/năm. Hương Phja Thắp có từ lâu và được bán được quanh năm nhưng bán chạy nhất là thời điểm Tết Nguyên Đán, tháng 3 âm lịch (tết Thanh Minh) và rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Với chất lượng tốt, hương Phja Thắp được bán khắp địa phương trong tỉnh, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa.
Ông Nông Văn Đài, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen cho biết: Việc du khách quốc tế quan tâm đến làng nghề hương Phia Thắp là cơ hội tốt để phát triển thêm các dịch vụ du lịch đi kèm như: dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, văn hóa văn nghệ... Tuy nhiên, để sản phẩm tiếp cận được với thị trường quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, do sản phẩm mang tính tâm linh đặc thù ở địa phương, lượng du khách đến mua hương về làm quà còn ít. Địa phương hiện nay đang tiến tới tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu đặc biệt là về xây dựng nguồn lực đầu tư cho việc đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như các điểm check-in để thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm”.
Ngoài ra, nói về những khó khăn gặp phải trong quá trình đưa hương Phja Thắp đến rộng rãi hơn với du khách, ông cho biết người dân trong thôn khi tiếp cận với công tác du lịch còn hạn chế. Chính vì vậy, hiện nay người dân đang tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu, thu hút du khách đến làng hương và thực hiện các hoạt động trải nghiệm, cảm nhận chất lượng sản phẩm một cách chân thật nhất.
Làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Phja Thắp xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ của dân tộc đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất từ tự nhiên có sẵn ở địa phương. Và đây cũng là nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, đó là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Nhật Linh - Thảo Chi - Thanh Huyền - Thanh Ba