Món phở bò Hà Nội - một trong những chỉ dấu ẩm thực không thể bỏ qua khi đến Thủ đô
Trong thuộc khuôn khổ Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội 2024 (29/11-1/12), tại Công viên Thống Nhất sẽ diễn ra chương trình “Phở số Hà Thành.” Đây là hoạt động đổi mới nhằm gây chú ý cho chương trình năm nay.
Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội là sự kiện thường niên do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa-Thể thao và nhiều đơn vị khác phối hợp thực hiện.
Đại diện ban tổ chức chương trình cho biết sẽ có robot giúp chần phở, lấy các loại nhân, gia vị, chan nước để phục vụ thực khách. Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp góp phần tô đậm các giá trị do con người tạo nên, khối tri thức dân gian đã được bồi đắp và xây dựng thông qua các thế hệ.
Năm 2024, tri thức nghề làm phở Hà Nội đã được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các món phở bò, phở gà từ lâu đã là món ăn dinh dưỡng, phản ánh một nét văn hóa đặc biệt cũng như tinh họa ẩm thực Việt Nam đã vượt qua nhiều biên giới, trở thành một chỉ dấu văn hóa đặc trưng của đất nước với bạn bè quốc tế.
Cốm cũng là một điểm nhấn trong Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2024. (Ảnh: TTXVN)
Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2024 sẽ có hơn 80 gian hàng, hoạt động trong 3 ngày sự kiện từ 9 giờ đến 22 giờ. Các quầy sẽ phục vụ và kết hợp trình diễn các món ăn nổi bật như phở Thìn bờ Hồ, phở gà 37 Hùng Vương, phở xào, phở cuốn, làng nghề giò chả Ước Lễ, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, cốm làng Vòng, cốm Mễ Trì, nem Phùng, bánh dày Quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So….
Đáng chú ý có các lễ rước của một số làng nghề, trong đó có làng giò chả Ước lễ và quá trình làm ống chả 120kg kỷ lục; lễ rước bánh chưng cốm của làng cốm Mễ Trì.
Ngoài ra lễ hội còn mang đến các trò chơi dân gian cho thực khách, mang đến các trò như kéo co, làm tranh Đông Hồ, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, thực hành viết thư pháp…/.
Quận nào có nhiều phở nhất Thủ đô?
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội năm 2023, trên địa bàn thành phố có 700 hàng phở, trong đó có khoảng 270 hàng phở đạt tiêu chuẩn để được ghi trong hồ sơ di sản ghi danh tri thức phở Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Một số cửa hàng không tham gia khảo sát.
Trong số 270 hàng nói trên, quận Long Biên đang nắm giữ số cửa hàng phở lớn nhất địa bàn thành phố. Cụ thể Đống Đa có 9 hàng, Ba Đình 21 hàng, Cầu Giấy 29 hàng, Hai Bà Trưng 30 hàng, Hoàn Kiếm 32 hàng, Thanh Xuân 56 hàng và Long Biên 93 hàng.
Cũng theo thống kê của Sở, những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà, tập trung ở Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng.
(Vietnam+)