Trái phiếu xanh là các công cụ nợ phát hành nhằm mục đích huy động vốn cho các dự án có lợi ích về môi trường, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động khác nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Bà Helena McLeod, Quyền Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) nhận định, nhu cầu cũng như sự tín nhiệm ngày một lớn từ phía nhà đầu tư đối với các dự án tăng trưởng xanh là tín hiệu tích cực về tiềm năng thị trường trong việc huy động dòng vốn từ khối tư nhân cho quá trình chuyển đổi hướng đến phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Những đợt phát hành trái phiếu xanh thành công thời gian qua cũng cho thấy sức hút của các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh.
Theo FiinRatings, năm 2024, thị trường trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của các lô trái phiếu xanh do doanh nghiệp phi tài chính phát hành.
Cụ thể, tháng 11/2024, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh có giá trị 1.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 40 triệu USD) nhằm tài trợ cho các dự án thúc đẩy nuôi trồng và sản xuất cá tra bền vững, thân thiện với môi trường. Lô trái phiếu này được FiinRatings đánh giá độc lập và GuarantCo bảo lãnh.
Còn Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã có kết quả phát hành trái phiếu gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Từ ngày 19/11 – 27/11, Công ty này đã chào bán thành công 8.781 trái phiếu mã HBXCH2444001, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Theo đó, Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã huy động thành công hơn 875 tỷ đồng từ lô trái phiếu nói trên.
Theo bà Nguyễn Thảo Hạnh - Chuyên gia Khối Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính Xanh, FiinRatings, sự xuất hiện của một số lô trái phiếu xanh trong các ngành phi tài chính cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực nâng cao hiểu biết và năng lực về phát triển bền vững, từ đó chủ động xây dựng khung tài chính xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế và phát hành trái phiếu dựa trên khung này.
Báo cáo từ WB cho thấy, đến năm 2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh Việt Nam cần phải thêm tới 6,8% GDP đầu tư hàng năm tức là khoảng 368 tỷ đô la mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng đầu tư này ít nhất một nửa đến từ khối tư nhân vì vậy cần có các cơ chế khuyến khích trái phiếu xanh.
Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu xanh. Theo đó, các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển trái phiếu xanh được thể hiện tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, từ năm 2017, sẽ tập trung vào hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách trong đó có phát triển thị trường trái phiếu xanh để tạo điều kiện cho các chủ thể phát hành huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu thực hiện các dự án xanh.
Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2007 bởi Ngân hàng Thế giới (WB). Thị trường này tăng trưởng chậm trong gần một thập kỷ, nhưng sau đó bắt đầu “cất cánh” và ngày càng được quan tâm, với quy mô hàng trăm tỷ mỗi năm, trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tại các quốc gia đã thành công trong chuyển đổi và tăng trưởng xanh tại khu vực châu Âu, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) chiếm đến 50-60% tổng quy mô tài chính xanh. Tỷ trọng này tại khu vực châu Á cũng đã đạt khoảng 30-35%.
Theo ước tính của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần một khoản đầu tư lên đến 46.000 tỷ USD và nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đã tăng mạnh trong vài năm gần đây.
Minh Thành