Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức qua hồi ức của các vị trưởng lão

Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức qua hồi ức của các vị trưởng lão
8 giờ trướcBài gốc
Đức Pháp chủ GHPGVN dâng trầm trước pháp tướng và xá lợi xương Bồ tát Thích Quảng Đức tôn thờ tại tháp Đa Bảo trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: BGN
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2025 tổ chức tại TPHCM có điểm nhấn là thỉnh xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam, tôn trí tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) và xá lợi trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP.HCM).
Về xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, ngài vị pháp thiêu thân ngày 11/6/1963 (20/4 nhuận năm Quý Mão). “Ngọn lửa thiêng liêng và Trái tim bất diệt là minh chứng mầu nhiệm cho tâm đại bi, năng lực thiền định và sự tu chứng của con người, vượt lên mọi giới hạn của nhân gian”, Nghị quyết phiên họp ngày 4/4/2025 của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh khẳng định.
Niềm tự hào
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN, phát biểu: “Chúng ta tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và trong đó có dấu ấn về hạnh nguyện cao cả của Bồ tát Thích Quảng Đức trên con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc”.
Theo Đức Đệ tứ Pháp chủ, ngọn lửa từ bi cùng với trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức có năng lực soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù.
“Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan. Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bi, trí, dũng của bậc Bồ tát hiện thế và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam”, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nói.
Còn cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, người tham gia với vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo năm 1963, chống chính quyền Ngô Đình Diệm, lúc sinh thời cũng từng phát biểu: “Một trong những sự bất diệt của cuộc vận động 1963 là sản xuất một vị Bồ tát. Sự tự thiêu của Bồ tát Quảng Ðức ngay khi mới xảy ra đã làm cho ông Diệm rụng rời. Rồi mấy giờ sau, cả thế giới, nhất là ở Mỹ, ngọn lửa tự thiêu của Ngài rực lên trên máy truyền hình, đốt cháy tan tành hình ảnh ông Diệm và chế độ của ông”.
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang, ngọn lửa Quảng Ðức làm sáng lên cái khí thế cao độ mà ông Diệm không còn giữ được gì về thái độ và chính sách của ông.
Trong hồi ức của mình, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhớ lại khoảnh khắc Bồ tát tự thiêu: “Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đứng xung quanh! Lệ rơi! Tiếng khóc vang lên! Lập tức, tôi yêu cầu hai mươi vị tăng ni ra nằm chặn ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Trong lúc diễn ra cuộc tự thiêu này, có cả Simon Michaud, đại diện Hãng thông tấn AFP của Pháp; Malcolm Browne, đại diện AP của Mỹ và Neil Sheehan, đại diện UPI, đều chứng kiến tận mắt và xe của Đại tướng Mỹ Hawkins cũng tới chỗ hỏa thiêu này”.
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Tới cổng chùa, cư sĩ Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều đưa tin vụ tự thiêu này.
“Tin này đã làm rung chuyển lòng người trên khắp năm châu bốn biển, đã làm cho cả một chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của ông Diệm phải lung lay. Vì thế, ông Diệm đã thúc giục hai bên, Ủy ban Liên bộ và Ủy ban Liên phái, sớm ngồi hội nghị và cùng ký bản thông cáo chung”, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp kể.
Chấn động toàn cầu
Theo GS Lê Mạnh Thát, sự kiện vị pháp thiêu thân của Bồ tát Quảng Đức là một biểu trưng tâm linh bất diệt, cần phải được phân tích dưới nhiều góc độ khoa học, lịch sử, tôn giáo, để các thế hệ kế thừa ngày nay được học tập và nhận thức rõ ràng về ý nghĩa hành động vị pháp thiêu thân ấy, vốn là động cơ, là sức mạnh của sự tập hợp đoàn kết, làm nên đại cuộc cho đạo pháp và dân tộc.
Trong cuốn “Ánh đuốc Quảng Đức” Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận cho rằng, ngọn lửa Quảng Ðức đã thắp sáng một thời đại chiến tranh, hận thù đang bao trùm lên thân phận con người (mà) tâm tư thì chứa những âu lo, buồn chán, nghi kỵ, sợ sệt và mất niềm tin!
“Ngọn lửa “thiêu” với sức nóng hàng ngàn độ đã không đốt cháy được trái tim kim cương bất hoại của vị Bồ tát “vị pháp thiêu thân”” - Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận nhận định.
Bồ tát Thích Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, đã cống hiến rất lớn vào sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, làm rạng danh Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức phát nguyện vị pháp thiêu thân là một sự kiện lớn, gây chấn động thế giới, đánh thức lương tri toàn nhân loại. Ngài là một Phật tử Việt Nam, đứng trước cảnh đạo pháp lâm nguy, đất nước ly loạn, đã tỏ rõ một động thái hết sức xót xa nhưng đầy hào hùng sáng suốt của người con Phật: Vị pháp thiêu thân nhằm phản đối chính sách đàn áp bạo tàn của thể chế độc tài Ngô Đình Diệm, kêu gọi sự hiểu biết, thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tinh thần hòa hợp đoàn kết dân tộc và lòng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ngài đã xả thân vì đạo pháp và dân tộc Việt Nam vốn mến chuộng công lý, tự do và hòa bình. Ngọn lửa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã thắp sáng hàng triệu con tim Việt Nam, đánh thức lương tri toàn nhân loại và đi vào lịch sử: “Ngàn năm mãi lưu tim Bồ-tát”.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ HĐCM
Lưu Đình Long
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/trai-tim-bat-diet-cua-bo-tat-thich-quang-duc-qua-hoi-uc-cua-cac-vi-truong-lao-2399556.html