'Trái tim châu Âu' dành cho Việt Nam

'Trái tim châu Âu' dành cho Việt Nam
20 giờ trướcBài gốc
Lễ đón chính thức Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ tại Phủ Chủ tịch ngày 1/4. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên sau hơn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã ghi dấu mốc lịch sử quan trọng, đưa quan hệ hai nước bước vào chặng phát triển mới, với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác được thúc đẩy thực chất, hiệu quả hơn.
Lần trở lại đặc biệt
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ diễn ra vào thời điểm hai nước vừa bước qua dấu mốc kỷniệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973-22/3/2023) và đang mở ra một chặng đường mới của nửa thế kỷ tiếp theo.
Trong bối cảnh Nhà vua Bỉ rất ít khi thực hiện chuyến công du các nước bên ngoài châu Âu trong năm, việc Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde dành lựa chọn hiếm hoi đó cho Việt Nam, thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Bỉ với vai trò, vị thế của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde tới thăm mảnh đất hình chữ S. Nhà vua Philippe từng đến Việt Nam ba lần với tư cách Thái tử kế vị vào các năm 1994, 2003 và 2012, còn Hoàng hậu Mathilde đã đến Việt Nam năm 2012 với tư cách Công nương Bỉ và năm 2023 với tư cách Chủ tịch danh dự Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Bỉ. Do đó, chuyến thăm lần này thực chất là sự trở lại đất nước mà Nhà vua và Hoàng hậu thân thuộc với nhiều kỷ niệm và tình cảm tốt đẹp.
Trân trọng tình cảm đặc biệt đó, Việt Nam đã dành sự tiếp đón trang trọng với Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ. Các Lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đều có các cuộc trao đổi thực chất với vị khách quý từ Hoàng gia Bỉ. Qua đó, thể hiện sự coi trọng đối với Bỉ, nơi mệnh danh là “trái tim châu Âu” cũng là đối tác quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).
Tại các cuộc trao đổi cấp cao, Nhà vua Bỉ Philippe bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc mà Việt Nam đạt được thời gian qua, đồng thời thể hiện coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng.
Đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của chuyến thăm, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ trân trọng sự ủng hộ quý báu của nhân dân Bỉ đối với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như những tình cảm tốt đẹp và đóng góp của cá nhân Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ dành cho Việt Nam và quan hệ hai nước. Chia sẻ tại hội đàm, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Bỉ, nước thành viên có vai trò và tiếng nói quan trọng trong EU.
Để tiếp tục đồng hành và đóng góp hiệu quả cho sự vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực....
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Bỉ là nước đầu tiên trên thế giới thông qua Nghị quyết của Quốc hội Bỉ về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự quan tâm và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Đây cũng là lý do vì sao Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ có lịch trình thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh, tham quan triển lãm về chất độc da cam và gặp gỡ các nạn nhân chất độc màu da cam. Rõ ràng, những hoạt động này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn tái khẳng định cam kết của Bỉ trong việc đồng hành cùng Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cùng với việc trao đổi về các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước nhằm đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam - Bỉ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, quốc gia Đông Nam Á và quốc gia châu Âu cũng chia sẻ tương đồng về ủng hộ chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật quốc tế vì hợp tác và thịnh vượng chung toàn cầu. Nhân dịp này, hai nước đã trao đổi nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thương mại, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Bỉ Philippe chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa bộ, ngành, cơ quan của hai nước. (Nguồn: Văn phòng Chủ tịch nước)
Gắn kết hài hòa
Dù cách xa nhau về địa lý, nhưng Việt Nam và Bỉ được gắn kết với nhau bởi tình hữu nghị bền chặt và hợp tác thực chất. Bỉ là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973. Hơn năm thập niên sau, Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ đã mang tới Việt Nam phái đoàn gần 150 đại biểu cấp cao, thành viên Hoàng gia, quan chức, doanh nghiệp...
Đặc biệt, đoàn có sự góp mặt của 5 Bộ trưởng, 34 CEO của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu của Bỉ và EU trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, cảng biển, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, thực phẩm… và 16 lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Bỉ.
Trong chuyến thăm năm ngày, ngoài lịch trình tại Thủ đô Hà Nội, đoàn còn thăm, làm việc tại nhiều địa phương của Việt Nam, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh - nơi đang triển khai các dự án của các công ty Bỉ như Deep C, đồng thời là nơi doanh nghiệp Bỉ quan tâm đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, logistics và cảng biển. Điều này thể hiện quyết tâm của Bỉ trong việc cùng Việt Nam củng cố những nền tảng hợp tác sẵn có, đồng thời tìm kiếm, khai phá các cơ hội hợp tác mới, trong những lĩnh vực tiềm năng mà Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Với quy mô lớn của đoàn, điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm chính là trao đổi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư. Bỉ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam tại châu Âu, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Bỉ trong ASEAN. Nỗ lực quyết tâm đột phá trong lĩnh vực trụ cột này, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong bối cảnh doanh nghiệp hai nước không ngừng mở rộng đầu tư, kinh doanh, Việt Nam mong muốn Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị Bỉ có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược về nông nghiệp đã được thiết lập năm 2018, hai bên nhất trí phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, tăng cường chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Bên cạnh trụ cột kinh tế, các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, quốc phòng - an ninh, khoa học và công nghệ, hợp tác địa phương cũng “chiếm sóng” không nhỏ trong chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Bỉ. Điều này thể hiện qua hàng loạt cuộc hội thảo, trao đổi, thỏa thuận hợp tác được ký kết trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo cũng như bên lề chuyến thăm, trong đó chú trọng các lĩnh vực hướng tới tương lai bền vững như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp bán dẫn…
Sự gắn kết văn hóa đặc biệt thể hiện trong chuyến thăm có lẽ là việc Nhà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde cùng Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt tham quan Hoàng thành Thăng Long - quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Sự hiện diện của thành viên Hoàng gia Bỉ tại Hoàng thành Thăng Long đã cho thấy sự kết nối giữa hai nền văn hóa từ quá khứ đến hiện tại.
Chuyến thăm còn để lại dấu ấn tốt đẹp trong trái tim người dân Việt Nam khi Nhà vua Philippe bình dị dạo phố cổ Hà Nội, uống cà phê trứng cùng Hoàng hậu Mathilde duyên dáng trong chiếc áo dài xanh hay hình ảnh vị Hoàng hậu đồng thời là Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ thăm hỏi các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương… Có lẽ chưa bao giờ các thành viên Hoàng gia Bỉ lại gần gũi với đất nước và con người Việt Nam đến thế!
Gắn kết hài hòa quá khứ, hiện tại và tương lai, quan hệ đối tác Việt Nam - Bỉ đang không ngừng tỏa sáng như những viên ngọc trai rạng rỡ. Mối quan hệ gắn bó mật thiết ấy gợi mở một tương lai tươi sáng cho hành trình nửa thế kỷ tiếp theo của quan hệ song phương được xây dựng trên nền tảng hòa bình, thịnh vượng và hòa nhập cho nhân dân hai nước như kỳ vọng mà Nhà vua Philippe đã chia sẻ tại tiệc chiêu đãi tối ngày 1/4.
Thu Trang
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/trai-tim-chau-au-danh-cho-viet-nam-309813.html