Trái tim người chiến sĩ

Trái tim người chiến sĩ
11 giờ trướcBài gốc
Bài1: Hànhtrình lặng lẽ
33 lần hiến máu, hiến tiểu cầu trong vòng 5 năm là con số khôngnhiều người có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn như vậy, kể cả với tình nguyện viên ngành y.Nhưng điều khiến hành trình ấy trở nên đặc biệt hơn cả, là bởi được thực hiện một cách đều đặn, liên tục trong điều kiện công tác đặc thù, áp lực nặng nề của một người lính cảnh sát cơ động như Trung tá Phạm Chí Dũng.
Máu từ trái tim người lính
Sau nhiều năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, tháng 11/2020, Trung tá Phạm Chí Dũng được điều động về Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1 (Trung đoàn 24, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), đóng quân tại xã biên giới Thanh Nưa, tỉnh Điện Biên. Xa quê, xa gia đình, anh đến với miền đất biên viễn bằng tất cả sự tận tâm, kỷ luật và lòng yêu nghề của người lính.
Những năm đầu, nhiệm vụ của anh chủ yếu tăng cường về các xã vùng cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Từ hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự, nắm tình hình cơ sở đến phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng... tất cả đòi hỏi người lính không chỉ chắc nghiệp vụ mà phải gần dân, hiểu dân, sống trong lòng dân.
Chỉ trong 5 năm gần đây, Trung tá Phạm Chí Dũng có 33 lần hiến máu và tiểu cầu.
Công việc đặc thù không giờ giấc, điều kiện sinh hoạt nhiều khó khăn, nhưng chính những lần bám bản, sát dân đã khiến Trung tá Dũng thêm gắn bó với mảnh đất biên giới cực Tây và xem đây là quê hương thứ 2 của mình.
Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, một cơ duyên đặc biệt đã đến với anh, mở ra hành trình mới, lặng lẽ nhưng bền bỉ suốt nhiều năm sau đó.
“Lần đầu tiên tôi hiến máu là năm 2005, lúc đó, tôi đang công tác tại đơn vị cũ. Nhưng rồi cũng như nhiều người khác, vài năm tôi mới hiến một lần, phần vì điều kiện công tác, phần vì chưa thực sự thấm hết ý nghĩa sâu xa của việc đó. Chỉ khi chuyển công tác đến Điện Biên năm 2020, chứng kiến những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những ca bệnh cấp cứu trong điều kiện thiếu thốn, tôi thực sự cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của việc hiến máu. Và từ đó, tôi hiến máu đều đặn như lời cam kết với chính bản thân mình” - Trung tá Phạm Chí Dũng chia sẻ.
Cũng từ những lần hiến máu toàn phần ban đầu, Trung tá Dũng tìm hiểu thêm về phương pháp gạn tách tiểu cầu, một hình thức hiến máu phức tạp, cần thời gian lâu hơn, hệ thống máy móc hiện đại hơn. Do kỹ thuật này chưa được thực hiện tại Điện Biên, nên mỗi lần có bệnh nhân cần tiểu cầu, anh đều chủ động bắt xe về Hà Nội tham gia hiến tiểu cầu. Có tháng anh đi 2 lần, mỗi lần chỉ cách nhau 15 - 17 ngày.
“Muốn gạn tiểu cầu đòi hỏi thể trạng phải thật ổn định, chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt và tinh thần thực sự kiên trì. Với đặc thù công việc thường xuyên trực đêm, luyện tập cường độ cao, việc duy trì sức khỏe để có thể hiến tiểu cầu đều đặn là điều không dễ dàng. Thế nhưng, tôi luôn giữ cho mình nhịp sinh hoạt hợp lý, ăn uống điều độ, hạn chế tối đa các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe để đảm bảo đủ điều kiện mỗi khi có người cần...” - Trung tá Dũng nói, rồi cười nhẹ như đó là việc hiển nhiên.
Trung tá Phạm Chí Dũng trong 1 lần hiến tiểu cầu tại Viện huyết học truyền máu Trung ương.
Không ai thúc ép, cũng không chờ đến các đợt hiến máu định kỳ, hễ nhận được tin có người bệnh cần nhóm máu, Trung tá Dũng lại chủ động liên hệ bệnh viện, thu xếp thời gian, lặng lẽ lên đường. Bất kể ngày lễ, ngày nghỉ, anh xem đó như một nhiệm vụ “đặc biệt” với chính lương tâm mình. Và từ lần hiến máu tình cờ cách đây 5 năm, đến nay, anh đã 33 lần hiến máu và hiến tiểu cầu, tương đương gần 9.000ml máu.
Bác sĩ Trần Thị Lịch, Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên nhận định: “Trường hợp như anh Dũng là rất hiếm. Hiến máu, gạn tiểu cầu đều đặn với tần suất cao mà vẫn đảm bảo sức khỏe, công việc, thể lực ổn định là điều không phải ai cũng làm được, kể cả trong ngành y. Điều đáng quý hơn nữa là từ việc làm của anh, nhiều người bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện không phải vì phong trào mà vì được truyền cảm hứng thực sự”.
Gieo hi vọng từ những điều giản dị
Mỗi giọt máu không đơn thuần là sinh học mà là một nhịp sống được níu giữ. Niềm tin đó càng lớn dần trong trái tim người chiến sĩ cảnh sát cơ động Phạm Chí Dũng qua những lần chứng kiến nụ cười trở lại trên môi người bệnh, hay ánh mắt biết ơn từ người thân trong cơn hoạn nạn. Và đó cũng là động lực để anh đồng hành cùng cháu Quàng Việt Hưng (sinh năm 2014) và Quàng Việt Hà (sinh năm 2015) - những người đang từng ngày chống chọi với căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) qua lời kêu gọi của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Cháu Quàng Việt Hưng (sinh năm 2014) và Quàng Việt Hà (sinh năm 2015) từng ngày phải chống chọi với căn bệnh tan máu bẩm sinh.
“Mồ côi bố từ năm 2017, mẹ thì bỏ đi biệt xứ từ trước đó, Hưng và Hà hiện sống cùng ông bà nội già yếu trong căn nhà tình thương ở bản Bánh, xã Thanh Yên. Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng hàng tháng 2 cháu vẫn phải đều đặn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh truyền máu. Biết được hoàn cảnh éo le ấy, tôi cùng anh em đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ phần nào chi phí điều trị, sách vở, đồ dùng học tập… để hai cháu có thêm niềm tin và nghị lực vượt qua khó khăn” - Trung tá Phạm Chí Dũng bộc bạch.
Mỗi phần quà không lớn, đôi khi chỉ là ít tiền viện phí, vài quyển sách, bộ đồ dùng học tập nhưng trong hoàn cảnh đó, lại vô cùng quý giá. Với Hưng và Hà, những sẻ chia từ một người chú không ruột thịt ấy đã trở thành điểm tựa trên hành trình chống chọi với bệnh tật.
Mới đây, trong chương trình “Hành trình đỏ” 2025 tổ chức tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Quàng Việt Hưng ngồi lặng lẽ dưới hàng ghế khán giả. Khi những người từng giúp mình được vinh danh, cậu bé nghẹn ngào thì thầm: “Cháu ước được khỏe mạnh để không phải nghỉ học vì đi viện, được chơi với các bạn và sau này sẽ làm việc có ích như các cô, các chú và cả chú Dũng...”.
Trung tá Phạm Chí Dũng, đại diện Câu lạc bộ “Giọt hồng trao ước mơ” trao quà cho cháu Quàng Việt Hưng và Quàng Việt Hà.
Với Trung tá Phạm Chí Dũng, đó mới chính là phần thưởng quý giá nhất. Không phải bằng khen hay danh hiệu mà là những hạt mầm hy vọng được gieo trong những tâm hồn còn thơ bé. Những ước mơ nhỏ nhoi ấy, nếu được vun đắp bằng tình yêu thương, sẽ sớm lớn lên thành khát vọng sống tử tế, biết sẻ chia và không bỏ cuộc.
“Tôi là người chiến sĩ công an nhân dân. Làm nhiệm vụ không nhất thiết phải mặc quân phục, cầm súng hay ra thao trường. Đôi khi, chỉ cần cho đi những gì mình đang có như sức khỏe, thời gian, hay một phần máu của mình là đã góp phần gìn giữ sự sống cho người khác rồi...” - anh Dũng nói như một lời tâm sự.
Bài 2: Gieo mầm hy vọng
Quang Long
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/hoc-va-lam-theo-loi-bac/trai-tim-nguoi-chien-si