Lỗ đen siêu khối Sagittarius A*, được mệnh danh là "trái tim quái vật" của thiên hà Milky Way, lâu nay vẫn được cho là đang trong trạng thái ngủ đông, tĩnh lặng. Tuy nhiên, theo các quan sát mới từ kính viễn vọng mạnh nhất thế giới của NASA, Sagittarius A* có vẻ đang thức dậy và hoạt động sôi động hơn chúng ta nghĩ.
Theo thông tin từ Science Alert, các quan sát ở hai bước sóng gần hồng ngoại đã ghi nhận các đợt bùng nổ vũ trụ với cường độ và thời gian thay đổi, phát ra từ chính lỗ đen Sagittarius A*. Những vụ nổ này mạnh mẽ đến mức chúng có thể được ví như một làn sóng bọt khí hoặc những màn pháo hoa lấp lánh giữa không gian.
Lỗ đen trung tâm của thiên hà chứa Trái Đất có thể sống động hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây - Minh họa AI
Nhóm nghiên cứu cho biết, đĩa bồi tụ khí nóng bao quanh Sagittarius A* đã tạo ra từ 5 đến 6 đợt bùng phát lớn mỗi ngày, kèm theo một số vụ nổ nhỏ hơn. "Trong dữ liệu thu thập được, chúng tôi nhận thấy độ sáng liên tục thay đổi, giống như những đợt bọt khí nổi lên. Rồi đột nhiên, một luồng sáng mạnh mẽ xuất hiện, sau đó lại dịu xuống" - Farhad Yusef-Zadeh, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Northwestern (Mỹ), cho biết.
Mặc dù những vụ bùng phát này xuất hiện bất thường và chưa có lý thuyết hoàn chỉnh để giải thích, chúng cho thấy Sagittarius A* vẫn ẩn chứa nhiều bí mật chưa được khám phá. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những sự kiện này có thể xảy ra ngẫu nhiên, và việc thiếu một mô hình rõ ràng càng khiến lỗ đen này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Trong bài báo công bố trên Astrophysical Journal Letters, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng hai quá trình riêng biệt có thể đang tạo ra các màn trình diễn ánh sáng này. Các đợt bùng phát nhỏ có thể là kết quả của sự nhiễu loạn trong đĩa bồi tụ, nơi khí nóng bị nén lại và từ hóa. Những nhiễu loạn này có thể giống như các vụ bùng phát trên Mặt Trời, gây ra những cơn bão từ ảnh hưởng đến Trái Đất.
Ngược lại, các vụ nổ lớn hơn có thể do hiện tượng kết nối lại từ trường, khi hai từ trường va chạm và tạo ra những luồng hạt sáng di chuyển với tốc độ gần bằng ánh sáng.
Một phát hiện đáng chú ý khác là sự thay đổi bất thường của các đốm sáng khi quan sát ở hai bước sóng khác nhau. Mặc dù chưa có lời giải thích chính xác cho hiện tượng này, nhưng những đặc điểm kỳ lạ này có thể là chìa khóa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các quá trình vật lý đang diễn ra trong đĩa xoáy quanh lỗ đen.
Những khám phá này mở ra một cánh cửa để nhân loại "nhìn" vào một thế giới tưởng chừng hoàn toàn tăm tối và đầy bí ẩn.
Như Ý (t/h)