Giá xăng dầu tăng từ 15h chiều nay
Từ 15h ngày 13/2, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng xăng dầu phổ biến.
Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 156 đồng/lít lên 20.598 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 146 đồng/lít, vượt mốc 21.000 đồng, cụ thể là 21.074 đồng/lít.
Với các mặt hàng dầu, dầu điêzen 0.05S tăng 19 đồng/lít lên 19.073 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 59 đồng/lít, lên 19.473 đồng/lít. Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 425 đồng/kg lên 17.779 đồng/kg.
Kỳ điều hành này không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng trên.
Diễn biến giá xăng dầu trong nước từ đầu năm.
Theo thông báo của liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với dầu của Iran. Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông có dấu hiệu gia tăng căng thẳng, Trung Quốc có động thái trả đũa thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ, xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn…
Bình quân giá thành phẩm xăng thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 6/2 và ngày 13/2 như sau: 84,856 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 0,266 USD/thùng); 86,374 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,147 USD/thùng). Trong khi đó, dầu hỏa có giá 92,382 USD/thùng, giảm 0,331 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S có giá 91,282 USD/thùng, giảm 0,555 USD/thùng. Riêng dầu mazut 180CST 3,5S giá 494,148 USD/tấn (tăng 11,611 USD/tấn)
Xung đột thuế quan Mỹ - Trung đè nặng giá dầu?
Xung đột thuế quan Mỹ - Trung kéo theo sự sụt giảm nhu cầu năng lượng.
Theo AFP, lo ngại ngày càng bị đẩy lên cao khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan, mở rộng tác động từ Nam Mỹ sang các quốc gia châu Á, bất kể tầm quan trọng kinh tế hay thương mại của họ. Cuộc chiến thuế quan kéo theo các biện pháp trả đũa, làm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu năng lượng.
Theo dữ liệu từ Polymerupdate Research, hợp đồng dầu Brent kỳ hạn trên sàn ICE giảm 1,32% trong tuần qua, chốt ở mức 74,66 USD/thùng vào thứ Sáu tuần trước, giảm so với 75,66 USD/thùng vào tuần trước đó. Các hợp đồng năng lượng này giao dịch trong biên độ hẹp nhưng biến động mạnh.
Giá dầu WTI Cushing giảm mạnh hơn. Hợp đồng giao tháng gần nhất trên sàn Nymex mất hơn 2%, chốt ở mức 71 USD/thùng, giảm từ 72,53 USD/thùng vào cuối tuần trước. Khối lượng giao dịch thấp và biến động giá hẹp là đặc điểm chung của cả dầu Brent và dầu WTI trong tuần qua. Tính từ đỉnh gần nhất vào ngày 15/1/2025, giá dầu đã giảm 9 - 11%.
“Giá dầu đã giảm 3 tuần liên tiếp, chốt ở mức 71 USD/thùng. Nguyên nhân chính là do lượng dầu tồn kho ở Mỹ tăng cao, căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị. Việc Mỹ áp thuế mới lên Canada, Mexico và Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh trả đũa bằng mức thuế 10% đối với dầu thô Mỹ, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và gây áp lực lên nhu cầu dầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị với Iran đã phần nào hỗ trợ giá dầu”, báo cáo từ Anand Rathi Investment Services nhận định.
Trong một diễn biến mới, Tổng thống Mỹ Trump đã công bố áp thêm thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Những mức thuế này có thể ảnh hưởng đến ngành năng lượng Mỹ, đặc biệt là các công ty khai thác dầu phụ thuộc vào loại thép chuyên dụng mà Mỹ không tự khai thác.
Đỗ Kiều