Trào lưu “Brainrot kiểu Ý” là gì?
Xuất hiện từ cuối năm 2024 và bùng nổ mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2025, trên TikTok, YouTube Shorts và Instagram Reels xuất hiện một loạt meme nhân vật kỳ dị với tên gọi và lời thoại nghe như… ngôn ngữ hành tinh khác. Một số cái tên tiêu biểu gồm:
- Tralalero Tralala: Cá mập ba chân mang giày Nike, thường xuất hiện cùng câu hát “tralalero tralala” như thể đang nhảy múa hoặc chiến đấu.
- Tung Tung Tung Sahur: Nhân vật bằng gỗ, tay cầm gậy, kêu vang “tung tung tung” - bắt chước tiếng trống gọi dậy ăn “sahur” (bữa sáng sớm trong tháng Ramadan của người Hồi giáo).
- Ballerina Cappuccina, Don’t Mess With My Pistachio...
Những nhân vật này đều không có cốt truyện hay thông điệp rõ ràng. Tất cả được tạo bởi AI với mục tiêu chính là kích thích thị giác, thính giác và có thể gây nghiện bằng sự vô nghĩa và phi logic.
Thuật ngữ "Brainrot" (tạm dịch: “thối não”) ám chỉ hiện tượng não bộ bị bão hòa bởi thông tin vô nghĩa nhưng gây nghiện, thường xuyên thấy trong nội dung ngắn gọn, lặp đi lặp lại và có tiết tấu bắt tai.
Vì sao trẻ em "nghiện" meme AI này?
Trào lưu “Brainrot kiểu Ý” đánh trúng nhóm Gen Alpha - thế hệ sinh sau năm 2010, lớn lên cùng điện thoại thông minh và video ngắn. Những nội dung này không yêu cầu hiểu ngôn ngữ hay bối cảnh, chỉ cần nghe - nhìn - bắt chước. Âm thanh “tralalero tralala” hay “tung tung tung sahur” được lặp đi lặp lại, giúp trẻ dễ ghi nhớ và hình thành thói quen tương tác. Các nhân vật có ngoại hình độc lạ, màu sắc nổi bật, chuyển động nhịp nhàng - tất cả tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.
Trên TikTok, hàng loạt video parody, vẽ nhân vật, remix nhạc… ồ ạt được tạo ra xoay quanh những “sinh vật AI” này. Thậm chí nhiều em nhỏ chưa biết đọc cũng có thể lặp lại chính xác câu thoại meme như một phản xạ vô thức.
Người lớn hoang mang, lo trẻ mất tập trung
Nhiều phụ huynh tỏ ra bối rối khi nghe con em liên tục nhắc tới “Tung Tung Tung Sahur” hay “Don’t Touch My Pistachio” mà hoàn toàn không hiểu ý nghĩa. Một số chuyên gia giáo dục và tâm lý học trẻ em cũng bày tỏ lo ngại về “hội chứng dopamine kỹ thuật số” - khi trẻ bị phụ thuộc vào nội dung kích thích nhanh, không còn kiên nhẫn với việc học hay chơi truyền thống.
Bên cạnh đó, những nội dung này không bị kiểm duyệt chặt chẽ vì không chứa yếu tố bạo lực hay phản cảm - nhưng lại tác động trực tiếp tới nhận thức và thói quen não bộ của trẻ trong giai đoạn đang phát triển.
Một số đồ chơi "ăn theo" các meme này đã nhanh chóng ra đời.
Dù meme “Brainrot” có thể mang lại tiếng cười và sự giải trí tạm thời, phụ huynh cần lưu ý:
-Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, không để trẻ xem video ngắn không kiểm soát quá 1 - 2 giờ mỗi ngày.
- Tham gia cùng trẻ, hỏi con em mình về nội dung chúng xem để tạo sự kết nối thay vì phán xét.
- Hướng dẫn phân tích và phản biện, giúp trẻ hiểu được đâu là nội dung hài hước vô hại, đâu là thứ gây ảnh hưởng tiêu cực.
Trẻ em đang trong độ tuổi học hỏi và phát triển nên được tiếp xúc với những tình huống thực, phù hợp với lứa tuổi. Việc trẻ dành quá nhiều thời gian để xem những video ngắn, gần như vô nghĩa, xa rời thực tế, có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, phân tích, ghi nhớ của trẻ. Những điều này lại cản trở sự phát triển các khả năng suy nghĩ phản biện, ra quyết định và giải quyết vấn đề - là những khả năng rất cần thiết trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng của việc trẻ quá mải mê với những video, meme kiểu "brainrot" bao gồm khó tập trung và chú ý đến các chi tiết, khó ghi nhớ và hiểu thông tin, dễ bồn chồn, căng thẳng...