10 TỔ MÁY CHƯA LẦN NÀO CHẠY HẾT CÔNG SUẤT
Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội gồm công trình đầu mối Trạm bơm Yên Nghĩa và kênh dẫn nước La Khê. Dự án được khởi công vào cuối năm 2015, với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng. Sau 5 năm thi công, đến tháng 1/2020, Trạm bơm Yên Nghĩa hoàn thành, với 10 tổ máy có công suất 120m3/giây.
Hoàn thành từ tháng 1/2020 đến nay, chưa ngày nào Trạm bơm Yên Nghĩa hoạt động hết công suất, dù nhiều thời điểm phía Tây Hà Nội bị ngập nặng. Ảnh: Quang Phong
Gần 4 năm trạm bơm hoàn thành, 10 tổ máy có công suất 120m3/s chưa ngày nào vận hành hết công suất, cho dù phía Tây Hà Nội nhiều lần bị ngập nặng.
Đại diện Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư của dự án) cho biết, trong những ngày Hà Nội ngập lụt do bão Yagi, Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành tối đa cũng chỉ được 7/10 tổ máy. Với những trận mưa lớn, dù sông hồ có mênh mông nước thì chỉ cần 3-4 tổ máy hoạt động là kênh dẫn nước vào trạm bơm cạn kiệt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Trạm bơm Yên Nghĩa "khát nước" trong những ngày Hà Nội lụt lội là do kênh La Khê (dẫn nước từ sông Nhuệ xuống trạm bơm) chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Dù đã triển khai nhiều năm, nhưng đến giữa tháng 9 vừa qua quận Hà Đông mới quyết liệt giải tỏa các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ kênh La Khê.
Những ngày Hà Nội ngập nặng, Trạm bơm Yên Nghĩa chỉ cần vận hành 4 tổ máy là kênh dẫn nước này cạn kiệt.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội - chủ đầu tư của dự án), Trạm bơm Yên Nghĩa có vai trò rất quan trọng trong tưới tiêu, thoát nước cho khu vực phía Tây của Hà Nội.
“Do công trình chưa hoàn thành (kênh dẫn nước La Khê - PV) nên trong cơn bão Yagi, Trạm bơm Yên Nghĩa chỉ chạy được 7/10 tổ máy. Nếu như dự án hoàn thành thì sẽ góp phần cho việc chống ngập úng ở phía Tây Hà Nội”, ông Hùng nói.
Gần 4 năm nay, 10 tổ máy của Trạm bơm nghìn tỷ chỉ hoạt động cầm chừng.
Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Ban quản lý dự án quận Hà Đông cho hay, một trong những nguyên nhân khiến công tác GPMB chậm trễ là do các hộ có nguồn gốc đất sử dụng rất phức tạp. Phần nhiều trong số đó là đất lấn chiếm hoặc đất cơ quan, xí nghiệp nhà nước sử dụng nhưng được giao trái thẩm quyền.
Để đẩy nhanh công tác GPMB phục vụ dự án, quận Hà Đông đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị và các phường liên quan thực hiện đúng trình tự, thủ tục, rà soát kỹ hồ sơ quản lý đất đai lưu trữ các thời kỳ, thu thập tài liệu do người bị thu hồi đất cung cấp, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, xác minh làm rõ các nội dung liên quan để làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo quy định.
NHIỀU LẦN "THẤT HỨA", TRẠM BƠM NGHÌN TỶ LÃNG PHÍ
Việc trạm bơm nghìn tỷ "khát nước", trong khi người dân phía Tây Hà Nội chịu cảnh "chìm nổi" mỗi mùa mưa từng nhiều lần làm nóng các phiên chất vấn, giải trình của HĐND TP Hà Nội. Cụ thể, tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội ngày 5/7/2023, đại biểu Trịnh Xuân Quang (quận Thanh Xuân) đề cập tới dự án này. Ông Quang đề nghị quận Hà Đông nêu nguyên nhân chậm và tiến độ khắc phục.
Nguyên nhân Trạm bơm Yên Nghĩa "khát nước" gần 4 năm qua là do kênh dẫn nước La Khê chưa hoàn thiện. Ảnh chụp sáng 18/11.
Trả lời đại biểu thời điểm đó, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, dự án cải tạo tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây Hà Nội có tổng diện tích cần GPMB 29,15ha. Đến tháng 7/2023, đã GPMB được 28,45ha, đạt 97,59% và đã bàn giao cho chủ đầu tư 26,32ha để thi công.
“Quận Hà Đông xác định đây là dự án trọng điểm nên đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thành GPMB trong năm 2023”, bà Cấn Thị Việt Hà nói.
Dù HĐND TP Hà Nội nhiều lần chất vấn tiến độ kênh La Khê, nhưng đến nay dự án vẫn chưa xong GPMB. Ảnh chụp sáng 18/11.
Điều hành phiên chất vấn, hôm đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá dự án "chậm quá". Do vậy, ông mời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham gia trả lời thêm vì liên quan đến công tác GPMB.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố nhận thức trách nhiệm của mình và thường xuyên tập trung chỉ đạo tháo gỡ rất quyết liệt những vướng mắc liên quan đến khâu GPMB kênh dẫn nước La Khê.
Dù xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay, kênh La Khê vẫn ngổn ngang như một đại công trường. Ảnh chụp sáng 18/11.
“Đến giờ các khó khăn, vướng mắc của dự án cơ bản được tháo gỡ. Quận Hà Đông và Sở Xây dựng đang tập trung giải quyết tái định cư”, ông Quyền nói.
Về tiến độ, ông Quyền cho biết, sau khi GPMB xong, các đơn vị thi công, chủ đầu tư sẽ tiếp tục xây dựng kênh dẫn nước La Khê. “Thành phố chỉ đạo các đơn vị theo hướng có mặt bằng đến đâu thì xây dựng đến đó, dự kiến đảm bảo tiến độ trong năm 2023”, ông Quyền nói.
Chưa thể khơi thông 2 bên bờ kênh La Khê, nên nhiều năm qua, Trạm bơm Yên Nghĩa bị 'khát nước' về mùa mưa. Ảnh chụp sáng 18/11.
Các đại biểu và Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đã truy đến tận cùng vấn đề, lãnh đạo từ UBND TP và UBND quận nhiều lần cam kết "đảm bảo tiến độ" kênh La Khê.
Hơn một năm sau phiên chất vấn, đến nay, hạng mục cứng hóa kênh La Khê vẫn chưa thể hoàn thành. Nhiều đoạn kênh được làm dang dở, đất đá trở thành "nút thắt cổ chai" cản trở dòng nước.
Từ tháng 9/2024 đến nay, quận Hà Đông đã tiến hành 4 đợt cưỡng chế thu hồi đất làm kênh dẫn nước La Khê. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10 vẫn còn gần hàng chục hộ chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng với diện tích 0,5ha. Quận Hà Đông tiếp tục đặt mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành công tác GPMB để sớm hoàn thành kênh La Khê. Còn người dân phía Tây Thủ đô tiếp tục hy vọng mùa mưa năm 2025 không phải chịu cảnh ngập úng.
Quang Phong