Cơ bản không còn vướng mặt bằng
Theo ghi nhận của PV ngày 18/4 về tiến độ thi công trạm dừng nghỉ tại Km 725+500 (xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, thuộc dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ), trên diện tích đã giải phóng mặt bằng khoảng 5ha, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nhà đầu tư triển khai thi công.
Trạm dừng nghỉ tạm được xây dựng tại dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn qua địa phận xã Phú Sơn.
Trạm dừng nghỉ trên là một trong số 7 trạm được Cục Đường bộ VN ký hợp đồng với chủ đầu tư Liên danh Petrolimex (Liên danh Tập đoàn xăng dầu VN - Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế) ngày 25/3 với tiến độ hoàn thành trong vòng 14 tháng (9 tháng hoàn thành công trình dịch vụ công).
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cuối năm nay sẽ triển khai thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Việc chậm hoàn thành xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ không đủ điều kiện thu phí, ảnh hưởng đến kế hoạch thu phí nộp ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam
Ông Hồ Văn Truyền, Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, công tác giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ này đã thực hiện xong đợt 1 nhưng chưa thấy nhà đầu tư thi công trên hiện trường.
Tương tự, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa dài hơn 98km gồm 3 dự án thành phần: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Trên tuyến có 2 trạm dừng nghỉ tại xã Đông Hòa, TP Thanh Hóa và xã Phú Sơn, Thị xã Nghi Sơn.
Đối với trạm dừng nghỉ tại Km 329+700, cao tốc Mai Sơn - QL45, Cục Đường bộ VN đã ký hợp đồng với nhà đầu tư là Liên danh Petrolimex từ ngày 3/8/2024 với mức chi phí sơ bộ hơn 200 tỷ đồng. Dự án này nhà đầu tư có 11 tháng để hoàn thành hạng mục công trình dịch vụ công.
Còn trạm dừng nghỉ tại Km 366+850 thuộc dự án QL45 - Nghi Sơn cũng được Cục Đường bộ VN ký hợp đồng với Liên danh Futabuslines - Thành Hiệp Phát vào tháng 8/2024. Tiến độ thực hiện dự án 12 tháng (các hạng mục công trình dịch vụ công là 9 tháng).
Sau 8 tháng ký hợp đồng, tại hai vị trí trên chưa có hoạt động xây dựng, vẫn còn nguyên các lán tôn và khu vệ sinh mà chủ đầu tư dự án đường cao tốc (Ban QLDA 2 và Ban QLDA Thăng Long) làm tạm thời phục vụ cho người dân lưu thông trên tuyến cách đây hơn 1 năm.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, diện tích đất thu hồi để xây trạm dừng nghỉ tại Km 329+700 cơ bản đã bàn giao cho nhà đầu tư.
Còn tại vị trí trạm dừng nghỉ thuộc xã Phú Sơn, đại diện UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: Hơn 11ha đất thực hiện dự án đã được bàn giao cho Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) vào cuối năm 2024.
Nhiều nhà đầu tư trúng thầu số lượng trạm lớn
Cục Đường bộ VN cho biết, đến nay đã có 17/21 dự án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Bộ Xây dựng quản lý lựa chọn được nhà đầu tư.
Trạm dừng nghỉ tại Km 329+700 thuộc dự án Mai Sơn – QL45.
Đáng chú ý, có nhiều nhà đầu tư trúng thầu với số lượng trạm lớn. Đứng đầu danh sách là Liên danh Petrolimex với 8 trạm. Tiếp đó là Liên danh Futabuslines - Thành Hiệp Phát trúng 5 trạm. Xếp thứ 3 là Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm trúng thầu 2 trạm.
Ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, tiến độ triển khai tổng thể các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam chỉ có 15 tháng. Trong đó, nhà đầu tư buộc phải hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công từ 9 - 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Theo ông Giang, vướng nhất hiện nay là các trạm của Liên danh Petrolimex. Là doanh nghiệp Nhà nước, Petrolimex phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp nên mất nhiều thời gian, tiến độ các trạm của nhà đầu tư này đang bị chậm so với yêu cầu.
"Cục Đường bộ VN đã yêu cầu Petrolimex nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng", ông Giang cho hay.
Chậm tiến độ, nhà đầu tư bị xử lý thế nào?
Trước thực tế thi công tại hiện trường như hiện tại, nhiều ý kiến lo ngại về năng lực tài chính, tổ chức thi công khi một số nhà đầu tư tham gia quá nhiều dự án trạm dừng nghỉ.
Lý giải về lo ngại này, ông Nguyễn Quang Giang cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, thông qua đấu thầu công khai, minh bạch.
Mặt khác, hồ sơ mời thầu quy định rõ các tiêu chí, điều kiện kinh doanh, năng lực tài chính và kinh nghiệm, đảm bảo yêu cầu để thực hiện dự án. Quá trình chấm thầu và kể cả sau khi ký hợp đồng, cơ quan chức năng cũng sẽ cập nhật thường xuyên năng lực của nhà đầu tư.
Theo ông Giang, trong nội dung hợp đồng đã quy định cụ thể các chế tài xử phạt trong trường hợp dự án bị chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng do lỗi của nhà đầu tư. Chậm ngày nào, nhà đầu tư sẽ bị phạt với số tiền tương ứng hoặc giảm thời gian khai thác.
"Một số tuyến cao tốc đưa vào khai thác nhưng chưa có trạm dừng nghỉ phần nào gây bức xúc cho người tham gia giao thông vì rất khó tìm được vị trí để dừng nghỉ an toàn đúng quy định.
Bộ Xây dựng quyết liệt chỉ đạo các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, tăng cường nhân lực, thiết bị, lập tiến độ tổng thể, chi tiết đối với từng hạng mục để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm đến cuối năm 2025 hoàn thành toàn bộ 21 trạm dừng nghỉ", ông Giang cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN cam kết sẽ nỗ lực tối đa, phối hợp cơ quan chức năng, các địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc đầu tư, vận hành khai thác trạm dừng nghỉ đồng bộ với tuyến cao tốc đưa vào khai thác.
Theo thống kê, hiện đã GPMB toàn bộ được 8/21 trạm gồm: Mai Sơn - QL45; QL45 - Nghi Sơn; Diễn Châu - Bãi Vọt; Vũng Áng - Bùng; Quy Nhơn - Chí Thạnh; Vân Phong - Nha Trang; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Km 205+092); Cần Thơ - Hậu Giang. Các trạm còn lại mới GPMB một phần hoặc chưa GPMB.
Nhóm PV