Nhân dân huyện Trạm Tấu tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn.
Trạm Tấu là huyện vùng cao với 12 xã, thị trấn, trong đó 10 xã thuộc khu vực III còn lại 1 xã, 1 thị trấn thuộc khu vực I với 54 thôn, bản, 3 tổ dân phố, đồng bào dân tộc Mông chiếm 79% dân số toàn huyện. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, hằng năm, huyện đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới...; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; các chương trình mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giao đất, giao rừng…
Ông Mùa A Páo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Trạm Tấu cho biết: "Hằng năm, Phòng luôn chủ động tham mưu giúp huyện triển khai hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư về cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm; các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm huyện giảm 7% hộ nghèo, tương đương gần 500 hộ. Các hộ dân đã đưa các giống lúa, ngô lai năng suất chất lượng cao vào sản xuất nên cơ bản đáp ứng đủ lương thực. Ý thức người dân đã được nâng lên, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế chính sách của Nhà nước, nhiều hộ còn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo…”.
Những năm gần đây, huyện đã ưu tiên các nguồn lực, tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học… Tổng vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn trung bình đạt trên 70 tỷ đồng/năm. Một số công trình trọng điểm như: đường thôn Sáng Pao đến trung tâm xã Xà Hồ; đường thôn Chống Chùa, thôn Tà Đằng xã Tà Xi Láng; đường thôn Tà Chơ, xã Làng Nhì; thủy lợi Háng Xê Cơ 1, xã Túc Đán; một số công trình trường học, công trình nước sạch...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Trạm Tấu đã xây dựng và nhân rộng các mô hình, dự án như: phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo nhóm cộng đồng dân cư tại xã Phình Hồ với 32 hộ tham gia, kinh phí 2,1 tỷ đồng; nhóm nuôi bò sinh sản xã Bản Mù với 32 hộ tham gia, kinh phí trên 2,1 tỷ đồng; xây dựng 11 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm theo nhóm cộng đồng dân cư với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng…
Thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai các chương trình cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho 4.867 hộ vay vốn trên 298 tỷ đồng để phát triển kinh tế (hộ nghèo trên 172 tỷ đồng; cận nghèo trên 21 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo trên 24 tỷ đồng; vay giải quyết việc làm gần 14 tỷ đồng).
Việc triển khai đồng bộ và thực hiện đúng tiến độ các chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đã góp phần để huyện vùng cao Trạm Tấu từng bước hoàn thành các tiêu chí về giảm nghèo bền vững gắn với công tác an sinh xã hội, tạo động lực để người DTTS thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.
Giai đoạn 2022-2024, từ các nguồn lực được đầu tư, huyện Trạm Tấu đã hỗ trợ làm 381 nhà ở cho hộ DTTS nghèo, tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; mua 350 bồn nước inox cho hộ nghèo, kinh phí 888 triệu đồng. Thực hiện các chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, huyện duy trì 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đạt tỷ lệ 100%; có 69.322 học sinh các cấp học được thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập, với tổng số tiền trên 44 tỷ đồng/năm.
Thái Hưng