Trận chiến ác liệt trên sông Dnipro
Các lực lượng Nga và Ukraine đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát các đảo Kozatskyi và Kruhlyk, nằm ở cửa sông, nơi sông đổ vào Biển Đen. Hoạt động này có tầm quan trọng về mặt chiến lược, vì việc giành các đảo này sẽ cho phép Nga kiểm soát quyền tiếp cận Sông Dnipro, một địa điểm quan trọng ở Ukraine.
Binh sĩ Ukraine huấn luyện đổ bộ từ xuồng cao tốc. Ảnh: Mil.in.ua
Sông Dnipro trải dài hơn 2.200 km từ Đồi Valdai của Nga đến Biển Đen, chia đôi Ukraine. Một số thành phố lớn của Ukraine, trong đó có cả Kiev, nằm dọc theo con sông.
Sông Dnipro đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột. Trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, các lực lượng Nga đã chiếm được Kherson, thành phố chiến lược ở cửa sông vào tháng 3/2022. Đến tháng 11/2022, Ukraine đã giành lại thành phố Kherson sau khi các lực lượng Nga rút lui sang tả ngạn con sông. Nhiều cây cầu bắc qua sông đã bị phá hủy. Lực lượng Ukraine đã cố gắng thiết lập một đầu cầu ở khu vực Nga kiểm soát nhưng họ đã phải chịu tổn thất nặng nề và cuối cùng đã từ bỏ nỗ lực này. Hiện tại, ở tỉnh Kherson, Nga kiểm soát bờ đông của con sông, trong khi Ukraine nắm giữ bờ tây.
Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 61 của Nga đã tiến hành nhiều hoạt động đổ bộ để chiếm các đảo Kozatskyi và Kruhlyk. Nếu giành quyền kiểm soát các đảo này sẽ Nga có thể bố trí pháo binh để kiểm soát lối vào sông. Pháo binh cũng có thể hỗ trợ các hoạt động bắc cầu, cho phép lực lượng Nga vượt sông và cố gắng chiếm lại thành phố Kherson. Tuy nhiên, các đảo trên đều nằm trong tầm bắn của pháo binh Ukraine và Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 126 của nước này đang chống lại các cuộc tấn công của Nga.
Việc triển khai tàu thuyền và trang thiết bị bắc cầu là yếu tố quyết định trong nhiều cuộc giao tranh giữa Nga-Ukraine. Có khả năng đây cũng là yếu tố quan trọng trong hoạt động kiểm soát các đảo trên sông Dnipro. Đặc biệt, cả hai bên đều cần những chiếc thuyền nhỏ để tấn công và chiếm các đảo. Lực lượng Nga đã tập hợp một đội tàu gồm 300 chiếc, chủ yếu là thuyền bơm hơi thân cứng (RHIB), để đưa quân đến các đảo nhằm tiến hành những cuộc tấn công nhanh chóng. Những chiếc thuyền này giúp họ di chuyển nhanh ở vùng nước nông và khó bị phát hiện, đặc biệt là vào ban đêm. Các tàu của Nga được trang bị hệ thống vũ khí như súng máy và súng phóng lựu, biến những con tàu này thành phương tiện chiến đấu cơ động.
Trong khi đó, Ukraine cũng có những đội tàu riêng, được củng cố thông qua các gói viện trợ nước ngoài. Tháng 11 vừa qua, Australia thông báo sẽ tặng 14 chiếc RHIB cho Ukraine. Đầu năm nay, Hà Lan đã cung cấp 14 chiếc RHIB, 8 tàu tuần tra sông và tàu tấn công CB90 cho Kiev. Trong khi đó, các gói viện trợ từ Mỹ dành cho Ukraine cũng bao gồm hơn 100 tàu tuần tra ven biển và ven sông. Thụy Điển, Phần Lan, Estonia và Đan Mạch đã cung cấp tàu thủy để hỗ trợ hoạt động này. Nhiều tàu trong số đó được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại tương tự như của Nga.
Ukraine giăng lưới lửa ngăn Nga chiếm đảo
Hiện cả Nga và Ukraine đang tăng cường sức mạnh chiến đấu nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, như máy bay không người lái và hệ thống tác chiến điện tử.
Máy bay không người lái được sử dụng để trinh sát, nhắm mục tiêu chính xác và bắn hạ các lực lượng đối phương khi họ cố gắng tấn công và chiếm các đảo. Ngoài ra, cả hai bên đều sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu thông tin liên lạc của nhau, cô lập các đơn vị tấn công một cách hiệu quả. Hệ thống tác chiến điện tử cũng thường được sử dụng để chống lại máy bay không người lái của đối phương. Trước đây, Nga là nước giành ưu thế trong cả hai lĩnh vực này. Nhưng hiện giờ, Ukraine được cho là đang bắt kịp thế mạnh của Nga nhờ phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước.
Ukraine đã phát triển một đội xuồng nổi không người lái (USV) để bổ sung cho các hệ thống mà nước này nhận được thông qua các gói viện trợ nước ngoài. Đáng chú ý, Kiev đã chế tạo USV SeaBaby và Magura 5, trang bị nhiều hệ thống vũ khí khác nhau. Ban đầu chúng được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công cảm tử nhằm phá hủy một số tàu của Nga, nhưng hiện giờ chúng có thể mang theo vũ khí riêng, có khả năng tấn công cả tàu thủy và máy bay. Ngoài nhiệm vụ tấn công, chúng cũng được triển khai để tuần tra các tuyến đường thủy, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động của Nga.
Theo giới phân tích, việc kiểm soát các đảo trên sông Dnipro sẽ định hình sâu sắc cục diện xung đột tại Ukraine. Nếu Nga giành được các đảo ở cửa sông và duy trì quyền kiểm soát bờ đông của con sông, họ sẽ đảm bảo quyền tiếp cận tuyến đường thủy và giành được một điểm tập kết quan trọng cho các cuộc tấn công trong tương lai vào bờ tây. Nhưng nỗ lực của Nga nhằm chiếm giữ các đảo này đang phải đối mặt với sự chống trả quyết liệt của Ukraine.
Ông Serhiy Bratchuk, người phát ngôn của lực lượng quân tình nguyện Ukraine cho biết, Nga đang thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine để tiến vào các đảo của sông Dnipro. Theo quan chức này, đối phương muốn thu hẹp cái gọi là "vùng xám" và thiết lập một chỗ đứng vững chắc ở một số đảo như một bước tiến nhằm mở rộng các đầu cầu của họ.
“Họ (Nga) đang cố gắng xác định những điểm hẹp mà họ có thể vượt qua vào phần đảo của Sông Dnipro. Có khả năng đây là một phần của kế hoạch lớn hơn để tiến đến bờ phải”, ông Bratchuk lưu ý.
Tuy nhiên, quan chức này đã nêu bật những thách thức chính đối với Nga. Trước hết, bờ phải cao hơn bờ trái, khiến hoạt động của các nhóm tấn công và các nhóm đổ bộ gặp khó khăn. Hơn nữa, Lực lượng vũ trang Ukraine đã duy trì kiểm soát hỏa lực trên toàn bộ khu vực đảo. Theo ông Bratchuk, Nga có thể mất ít nhất một nửa số tàu thủy trong quá trình di chuyển do các cuộc tấn công của lực lượng Ukraine.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)