Phi đội Quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang), chiều 28/4/1975. Ảnh: Tư liệu
“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”
Với Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) - từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng, đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là hành động khẳng định được bản lĩnh, ý chí, quyết tâm cao độ của Phi đội Quyết thắng.
Theo lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục, Bộ Chỉ huy chiến dịch có ý định sử dụng không quân chuẩn bị và tham gia chiến đấu vào thời điểm quyết định để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi xem xét kỹ lưỡng tình hình, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã quyết định sử dụng Phi đội 4 thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371 làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm vụ được Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân giao là nhanh chóng vào sân bay Đà Nẵng, khẩn trương tổ chức huấn luyện chuyển loại sang máy bay A37 ta thu được của địch để sẵn sàng xuất kích chiến đấu theo lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch.
Toàn phi đội xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà cấp trên đã tin tưởng giao cho, nên quyết tâm dốc toàn lực học chuyển loại máy bay thật nhanh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu cấp trên giao. Việc huấn luyện, chuyển loại máy bay chỉ trong thời gian 3,5 ngày thực sự là thần tốc, táo bạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) - từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với cương vị Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng. Ảnh: Hồng Thái
Chiều 28/4/1975, Tư lệnh quân chủng Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ chiến đấu cho phi đội sau khi nêu khái quát diễn biến của chiến dịch, ý định sử dụng không quân của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ý nghĩa của trận đánh kích vào sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, tên gọi “Phi đội Quyết thắng” được tư lệnh giao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến thắng trở về cũng bắt đầu từ đó.
Vào 16 giờ 15 ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng xuất kích, chiến đấu gồm 5 máy bay: Số 1 Nguyễn Thành Trung; số 2 Từ Đễ; số 3 Nguyễn Văn Lục; số 4 Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On; số 5 Hán Văn Quảng. Mặc dù việc huấn luyện, chuyển loại máy bay A37 chỉ trong thời gian 3,5 ngày, nhưng Phi đội Quyết thắng triển khai đội hình chiến đấu, từng máy bay bổ nhào công kích mục tiêu. Lửa khói bốc lên mù mịt từ đài chỉ huy của địch vang lên tiếng thất thanh “máy bay của phi đội nào, cho biết phiên hiệu”. Rõ ràng kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ và hoảng loạn.
Trận đánh này đã phá hủy hàng loạt máy bay quân sự các loại của địch cùng nhiều vũ khí trang thiết bị quân sự khác, tiêu diệt hàng trăm quân địch đang có mặt tại sân bay. Oánh kích xong, toàn phi đội lại vòng về sân bay ở Phan Rang và tất cả đều hạ cánh an toàn lúc 18 giờ.
Quận Thanh Xuân gặp mặt hơn 300 đại biểu là Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu công an Nhân dân trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang sinh sống trên địa bàn quận. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục ngồi hàng trên cùng, ngoài cùng bên phải. Ảnh: Hồng Thái
Bài học kinh nghiệm tác chiến đường không trong tình hình mới
Theo lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Lục, trận đánh của không quân vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 có ý nghĩa rất lớn. Đó là phát huy truyền thống quân đội ta, lấy vũ khí địch đánh địch. Ở đây là vũ khí máy bay hiện đại. Chỉ trong thời gian rất ngắn, bằng ý chí và quyết tâm chiến đấu rất cao, bằng nỗ lực vượt bậc, chúng ta đã sử dụng máy bay địch để chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất là mũi tấn công thứ 6 của quân đội ta từ trên không xuống do Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện, gây chấn động Sài Gòn, tác động lớn đến tâm lý và ý chí chiến đấu của Mỹ ngụy.
Như lời của cố đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chiến dịch: “Đây là trận đánh Hiệp đồng binh chủng đẹp nhất, đầy đủ nhất, thành công nhất của quân đội ta từ trước tới nay”, buộc 3.000 cố vấn quân sự Mỹ và các quan chức ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn phải nhanh chóng tháo chạy rời khỏi Sài Gòn vào ngày 29/4/1975 tạo nên sự hỗn loạn trên chiến trường, làm cho tâm lý tinh thần địch đã hoang mang rệu rã càng suy sụp tan rã nhanh hơn, tạo điều kiện cho các cánh quân của quân đội ta tiến vào Sài Gòn nhanh hơn, đỡ đổ máu hơn. Rõ ràng, trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đã có tiếng vang và tác động rất lớn đã góp phần bảo vệ Sài Gòn nguyên vẹn.
Các nhân chứng lịch sử - những người trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giao lưu, chia sẻ những câu chuyện lịch sử. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục ngồi cạnh MC chương trình. Ảnh: Hồng Thái
Từ thực tế chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích cho nghệ thuật tác chiến đường không của bộ đội không quân trong tình hình mới. Quyết định sử dụng lực lượng và phương tiện cho trận đánh của người chỉ huy là cực kỳ quan trọng, quyết định đến thành công của trận đánh.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh bộ tư lệnh quân chủng quyết định sử dụng phương án chuyển loại sang máy bay thu được của địch để đánh địch là rất táo bạo và cực kỳ chính xác. Cùng với đó, xác định thời cơ xuất kích chiến đấu, triệt để sử dụng yếu tố bí mật bất ngờ để tấn công địch.
Ngoài ra, trong tình hình mới nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề phức tạp, trong chiến tranh dù có hiện đại đến đâu vũ khí công nghệ cao đến đâu thì yếu tố con người vẫn mang tính chất quyết định. Vì vậy, phải xây dựng được nhân tố chính trị, tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao; có tinh thần quyết tâm, dám đánh, đánh và đánh thắng địch trong mọi điều kiện hoàn cảnh, trong mọi tình huống xấu nhất...
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lục đứng ngoài cùng, bên phải. Ảnh: Hồng Thái
Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân Việt Nam.
Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, chỉ sau 3,5 ngày luyện tập, chuyển loại máy bay, chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết thắng gồm 4 phi công của Trung đoàn 923 là Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On, sử dụng máy bay A37 tập kích sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tập kích đã làm cho tinh thần của Mỹ - ngụy hoảng loạn, thúc đẩy nhanh chóng quá trình tan rã của ngụy quyền Sài Gòn.
Các phi công Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Phi công Trần Văn On được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất.
Hồng Thái