Một buổi sáng giữa tháng 4, khu nhà hàng ngay cạnh Bảo tàng Phòng không - Không quân đón chào những vị khách đặc biệt. Họ là các cựu phi công, sĩ quan tên lửa Việt Nam và những "đối thủ" bên kia chiến tuyến - Không lực Hoa Kỳ.
Năm 1972, trong chiến dịch mà người Mỹ đặt tên Linebacker, họ đã đối đầu "không khoan nhượng" giữa bầu trời Hà Nội. Để rồi, hôm nay, họ ngồi lại với nhau để cùng "nhìn từ hai phía" về mối cơ duyên đặc biệt kỳ lạ của mình - cơ duyên mà cả hai phía định danh bằng cụm từ: Từ không chiến thành bạn bè...
27 PHÚT ĐỤNG ĐỘ TRÊN KHÔNG - TỪ GÓC NHÌN HAI CHIẾN TUYẾN
Đã hơn 50 năm, nhưng cựu phi công F4 Wade Hubbard vẫn chưa thể lý giải một cách tường minh những điều "kỳ lạ" trong trận đụng độ trên không ngày 26/5/1972.
Wade Hubbard kể: Ngày 26/5/1972, phía quân đội Mỹ tổ chức đội hình tấn công Hà Nội. Vào thời gian này, Wade có nhiệm vụ điều khiển tiêm kích F4 để bảo vệ đội hình thả nhiễu. Khi lên tới độ cao khoảng vài nghìn mét, viên phi công Hoa Kỳ phát hiện 2 chiếc MIG-21 xuất hiện và tấn công.
"Một tên lửa bắn về phía tôi nhưng trượt. Ngay lập tức, chúng tôi chuyển sang phản kích nhưng tên lửa tầm nhiệt từ F4 cũng không trúng mục tiêu", Wade Hubbard kể lại.
Cựu phi công F4 Wade Hubbard chia sẻ về trận không chiến ngày 26/5/1972. (ẢNH: HỒNG QUÂN)
Lúc này, từ khoang lái, Wade nhận thấy một chiếc MIG-21 ở hướng 5 giờ nên bắt đầu đuổi theo. Nhưng chiếc MIG-21 lại bất ngờ hạ độ cao và giảm tốc độ liên tục. Súng từ chiếc F4 nổ liên tục nhưng không trúng mục tiêu.
"Tôi không cảm nhận được khí lưu từ chiếc MIG-21 đó, dù đã bay chậm và rất gần nhau. Cuối cùng, do gặp vấn đề về nhiên liệu, 2 chiếc máy bay của chúng tôi buộc phải quay lại. Khi trở về, chúng tôi tin rằng ít nhất 1 chiếc MIG-21 đã bị tiêu diệt", Wade hồi tưởng.
Suốt hơn một nửa thế kỷ qua, cựu phi công Wade Hubbard vẫn mang trong mình một thắc mắc: "Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với người phi công năm ấy. Vì sao, thay vì tiếp tục cơ động, anh ta lại giảm độ cao và tốc độ. Liệu anh ấy có trúng đạn và bị thương hay không?".
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, cựu phi công lái chiếc F4 trong mùa hè đỏ lửa vẫn mang trong mình một câu hỏi về số phận chiếc MIG 21 ngày 26/5/1972 năm nào. (ẢNH: HỒNG QUÂN)
Là người trực tiếp tham gia vào trận không chiến mùa hè năm 1972 đối đầu cùng Wade Hubbard, Đại tá Lê Thanh Đạo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kể lại: Khoảng 9 giờ 57 phút sáng 26/5, ông và đồng đội nhận được lệnh báo động có máy bay Hoa Kỳ xuất hiện. Chỉ 3 phút sau, 2 chiếc MIG-21 cất cánh, bay theo hướng Việt Trì-Hòa Bình.
"Bầu trời hôm đó tương đối quang mây. Vừa cất cánh không lâu, chúng tôi đã thấy 2 chiếc F4 bay ngang qua mặt. Tôi vội bám theo, nhưng lúc này góc tấn công quá lớn nên tôi quyết định bắn đón đầu. Mặc dù vậy, tên lửa cảm ứng nhiệt không trúng đích", anh hùng Lê Thanh Đạo kể.
Đại tá Lê Thanh Đạo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại buổi gặp mặt. (ẢNH: HỒNG QUÂN)
Khoảng 2 giây sau, ông nhận được thông tin qua bộ đàm: 2 chiếc F4 bắt đầu khai hỏa. Ngay lập tức, Lê Thanh Đạo kéo MIG-21 vượt lên độ cao 7.000m. Hai bên rơi vào tình huống đánh quần khi các máy bay bám sát nhau.
"Thấy bất lợi, tôi hô số 2 [máy bay số 2 trong đội hình-PV] thoát ly khỏi trận đánh, tìm cách hạ cánh về phía sân bay Nội Bài theo hướng 180 độ. Khi đó, có lẽ ông đã bám theo số 2 nên thấy chiếc MIG này đột ngột giảm độ cao và tốc độ", Đại tá Lê Thanh Đạo nói với cựu phi công Wade Hubbard; đồng thời khẳng định: Đúng 10 giờ 27 phút, cả 2 chiếc MIG-21 phía Việt Nam đã hạ cánh an toàn và không hề có một vết đạn.
"Như vậy, chắc chắn trận đó, các ông đã không bắn trúng chúng tôi", Đại tá Đạo chia sẻ.
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
LỜI GIẢI ĐÁP BẤT NGỜ SAU NỬA THẾ KỶ CHO CỰU XẠ THỦ B52 HOA KỲ
Thực tế, trong chiến dịch Linebacker, B52 là loại máy bay rất đáng tin cậy với sức tàn phá lớn. Để phục vụ cho những "pháo đài bay" này, phía quân đội Mỹ đã bố trí một hệ thống bảo vệ, chống nhiễu dày đặc. Khi bay ném bom, B-52 có hàng nghìn bó nhiễu với hàng triệu sợi kim loại bay lơ lửng, giăng kín bầu trời, tạo thành một bức tường nhiễu chắn ngang mọi cánh sóng radar.
Cùng với đó còn phải kể đến hệ thống nhiễu giả. Những máy bay F4 và F111 bay thăng bằng, tốc độ ổn định giống như B-52, cùng phát nhiễu, tạo thành một dải nhiễu to trên màn hiện sóng, điều này làm cho các trắc thủ radar dễ bị nhầm lẫn là dải nhiễu B-52.
Là cựu xạ thủ bảo vệ "pháo đài bay" trong chiến dịch Linebacker, ông Kim Morey thắc mắc về cách lực lượng phòng không Việt Nam đã "vạch nhiễu, tìm B52" trên không.
"Các ngài đã phát hiện B52 của chúng tôi thế nào để tấn công?", Kim nêu vấn đề vẫn ám ảnh ông trong hàng thập kỷ qua.
Cựu xạ thủ bảo vệ B52 Kim Morey (ngoài cùng bên phải) nêu thắc mắc về cách lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam vượt nhiễu để tấn công B52. (ẢNH: HỒNG QUÂN)
Nhận câu hỏi từ phía bạn, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên nói bí quyết bắn rơi “giặc trời” B-52 nằm ở kỹ năng “vạch nhiễu tìm thù".
"Chúng tôi đã đúc kết kinh nghiệm chiến đấu với B52 trong giai đoạn 1967-1972 trước đây. Thực tế, tín hiệu nhiễu của B52 rất ổn định và đậm đặc so với phi đội F4 hộ tống. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi phát hiện, lựa chọn mục tiêu và bắn đón đầu. Một số đơn vị thậm chí còn áp dụng phương pháp bắn vượt nửa góc và đạt hiệu quả rất cao", Đại tá Kiên lý giải.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên giải đáp thắc mắc của ông Kim Morey. (Ảnh: HỒNG QUÂN)
Về cơ chế, phương pháp này được thực hiện như sau: Khi phát hiện dải nhiễu B52, lực lượng pháo phòng không sẽ theo dõi không quá 10 giây sau đó tắt radar rồi phát lệnh phóng tên lửa. So với cách đánh "bắn ba điểm" được huấn luyện, cách đánh "vượt nửa góc" nguy hiểm hơn rất nhiều, do phía địch có thể dùng tên lửa tiến công trận địa ta nếu không tắt sóng radar kịp thời. Do đó, cách đánh đòi hỏi các trắc thủ phải vô cùng dũng cảm, thao tác nhanh gọn và có sự phối hợp đồng bộ.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không,” Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên chính là sĩ quan trực tiếp tham gia chiến đấu, bắn rơi 4 máy bay B-52 của không quân Mỹ. Trong khi đó, ông Kim Morey là xạ thủ trên "pháo đài bay" B52.
- Là những người lính bên kia chiến tuyến, các ông đánh giá thế nào về lực lượng phòng không tên lửa của chúng tôi trong chiến dịch 12 ngày đêm tại Hà Nội năm 1972? - Đại tá Nguyễn Đình Kiên hỏi.
- Chúng tôi thực sự không ngờ hệ thống tên lửa của các bạn lại hiệu quả tới vậy. Chúng tôi rất nể phục. Trước chiến dịch, chúng tôi chỉ nhìn nhận đó là mối đe dọa trên lý thuyết. Nhưng, chúng tôi đã phải trả giá bằng máu. - Cựu xạ thủ B52 thừa nhận.
Biên đội MiG-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F-4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27/12/1972. (Ảnh: Tư liệu)
TỪ KHÔNG CHIẾN THÀNH BẠN BÈ VÀ NHỮNG MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT TỪ CẢ HAI PHÍA
Có mặt trong đoàn cựu phi công Hoa Kỳ tới Việt Nam dịp này, họa sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử John Scott Mollison đã mang tới tặng cho những người bạn Việt Nam những món quà đặc biệt. Đó là những bức tranh vẽ lại chiếc "én bạc" MIG-21 mà những người lính bên kia chiến tuyến từng điều khiển.
Chia sẻ tại sự kiện, họa sĩ John Mollison cho biết, trong nhiều năm qua, ông đã cố gắng khắc họa lại những bức vẽ về máy bay và không quân, của cả phía Mỹ lẫn Việt Nam "như một phần quý giá của lịch sử". Thông qua đó, Scott muốn giữ lại ký ức cho những thế hệ sau.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử John Mollison chia sẻ về lý do ông vẽ lại máy bay chiến đấu ở cả hai bên chiến tuyến. (ẢNH: HỒNG QUÂN)
"Tôi trân trọng những người đã cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc. Bởi vậy, khi tôi vẽ máy bay, chính là cách tôi ghi lại câu chuyện của những người đã điều khiển chúng. Và quan trọng hơn, đó cũng là cách để tôi kể cho thế hệ sau câu chuyện về những vị anh hùng - không phân biệt chiến tuyến - để nó có thể truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác", họa sĩ người Mỹ nhấn mạnh.
Khi tôi vẽ những chiếc máy bay Mỹ và Việt Nam, tôi thực sự muốn nhìn lịch sử từ cả hai phía. Những bức tranh này, tôi xin dành tặng cho những phi công anh hùng, như cách để gìn giữ mãi ký ức về họ.
Họa sĩ John Mollison
Phòng họp nhỏ sát Bảo tàng Phòng không-không quân trong phút chốc trở nên thân tình hơn khi những bức vẽ đặc biệt được trao đi.
Từ phía mình, các cựu phi công Việt Nam và gia đình cũng gửi lại "bạn bè" bên kia địa cầu tấm huy hiệu kỷ niệm và món quà từ chính nơi họ đã chiến đấu năm xưa.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam không giấu nổi xúc động. Ông cho biết, đây đã là cuộc gặp gỡ lần thứ 5 giữa 2 bên, kể từ năm 2016.
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát tại buổi gặp mặt.
"Trên thế giới, rất ít có những cuộc 'hội ngộ' đặc biệt thế này. Chúng tôi ở đây, một mặt mong muốn được giải đáp những thắc mắc, nghi vấn còn chưa sáng tỏ trong những cuộc đối đầu năm xưa. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn cùng truyền đi thông điệp về hòa bình, về một tương lai mà ở đó tất cả đều là bạn bè, trên tinh thần hòa hợp, hòa giải của cả hai dân tộc", Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhấn mạnh.
Cựu xạ thủ bảo vệ B52 Kim Morey thì khẳng định: Ban đầu, ông chỉ tới Việt Nam để "giải đáp những thắc mắc cá nhân", nhưng "cuộc gặp gỡ đã cho ông những cảm quan khác biệt".
"Cuộc chiến sẽ chỉ thực sự kết thúc khi chúng ta bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai. Đúng với quan điểm: Từ không chiến đến bạn bè. Chúng tôi đã có mặt ở đây đúng dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tôi rất hạnh phúc khi có thêm những người bạn mới, và thấy một Việt Nam phát triển mạnh mẽ", ông Kim thành thật.
Họa sĩ John Mollison trao tặng bức tranh MIG-21 số hiệu 5072 mà ông vẽ tặng cho Đại tá Lê Thanh Đạo.
Ông cũng đồng thời trao tặng cho 2 cựu phi công Mỹ những bức tranh mà ông vẽ về chiếc máy bay mà họ đã gắn bó trong cuộc chiến hơn 50 năm về trước.
Ảnh: HỒNG QUÂN.
Về phía mình, những cựu phi công Việt Nam cũng gửi tới những người bạn đặc biệt của mình những món quà nhỏ đầy ý nghĩa.
Các cựu phi công từng đụng độ nhau nảy lửa trên bầu trời Hà Nội năm 1972 giờ ở cạnh bên nhau chụp ảnh lưu niệm.
SƠN BÁCH - PHAN THẠCH - HỒNG QUÂN