Trận mạc không đại pháo

Trận mạc không đại pháo
17 giờ trướcBài gốc
Đội đang dẫn đầu V-League Thép Xanh Nam Định không thể ghi bàn và không thể thắng được đội đang chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng là SHB Đà Nẵng.
Lý do ở thực lực hay động lực? Có cả hai. Càng vào sâu giải, việc thiếu vắng Xuân Son càng cho thấy đội bóng thành Nam như thể đội quân ra trận mà không có đại pháo. Tận dụng quy chế đá cúp C2 châu Á, họ đã vung tiền mua sắm thêm hàng loạt ngoại binh song không thể nhào nặn họ thành một tập thể thực sự. Thua đậm đội bóng Nhật Bản đã đành mà thế áp đảo ở các giải trong nước như mùa trước cũng không thể duy trì.
Không những vậy, người bạn diễn ăn ý, sắc sảo của Xuân Son là Hendrio cũng không thể phát huy, trở nên lạc lõng đến nỗi câu lạc bộ phải đẩy anh ra đi. Loay hoay trong nhiều phương án tấn công và phòng ngự mà chưa thành, các cầu thủ giảm sút niềm tin và động lực thi đấu để rồi thất bại trong cúp Quốc gia và hiện dù vẫn đứng đầu V-League song chỉ còn hơn Hà Nội FC 2 điểm.
Thép Xanh Nam Định bị Hà Nội FC áp sát sau trận hòa với SHB Đà Nẵng. Ảnh: PVF
Cũng giảm sút phong độ song nhà “vô địch lượt đi” Thể Công-Viettel hay các đội từng ấp ủ đua vô địch như Becamex Bình Dương và Đông Á Thanh Hóa lại ở tình trạng khác. Với Thể Công-Viettel là các chân sút nội không bật được lên, ngoại binh thực sự chất lượng vẫn chưa tìm được trong khi hàng thủ lại chệch choạc khiến lối chơi phòng ngự-phản công bị bắt bài, giảm dần hiệu quả. Với Becamex Bình Dương là cuộc khủng hoảng lực lượng thể hiện rõ khi các đối tác trong tấn công của Tiến Linh vốn chỉ là các nội binh thì Vĩ Hào bị gặp chấn thương nghỉ dài, Việt Cường không đủ sắc và đủ sức càn lướt, chia lửa... Việc tăng cường ngoại binh Timite trước sau vẫn chỉ là nỗi thất vọng.
Với Đông Á Thanh Hóa, nếu như sự thiệt thòi vì mất cỗ máy ghi bàn Rimario ngay đầu mùa giải bởi chấn thương nặng đã được huấn luyện viên Popov “hóa phép” giải quyết bằng lối chơi tập thể luôn hừng hực khí thế cùng thể lực sung mãn thì đến khi thể lực suy giảm kèm chấn thương kéo theo thì phép màu đó cũng không còn tác dụng. Việc thất bại phải rời giải cúp vô địch các câu lạc bộ Đông Nam Á tưởng như đã giúp đội bóng xứ Thanh đủ sức tập trung cho các giải trong nước, song cùng với việc chấn thương loại đi đội trưởng Ngọc Tân luôn hết mình lăn xả khiến họ phải chịu mạch trận bết bát là sự ra đi không thể khác được của huấn luyện viên Popov. Vậy mà một bất ngờ khác đã đến. Chỉ một tiền đạo Ribamar đã đánh bại Thể Công-Viettel với một cú hat-trick. Một Rimario khác đã xuất hiện hay chỉ là nhất thời, ăn may? Có lý do để tin vào phong độ cầu thủ này bởi anh có sức mạnh càn lướt cùng tài năng nhiều hứa hẹn. Chỉ e rằng khi các đối thủ đã tỉnh táo phòng ngừa, phối hợp ngăn chặn thì tiền đạo này sẽ trở nên đơn độc.
Khác so với các đội bóng vừa kể, Hà Nội FC và Công an Hà Nội FC lại có chiều sâu lực lượng tốt hơn hẳn, nhất là số cầu thủ nội. Khi các ngoại binh chưa thể hiện được nhiều thì Hà Nội FC vẫn có những họng súng sẵn sàng nhả đạn. Văn Quyết đuối sức thì có Hai Long, rồi Tuấn Hải... trở lại. Chiều sâu lực lượng, lối chơi kiểm soát bóng của Hà Nội FC trước sau vẫn là bản sắc và ưu thế. Công an Hà Nội FC thậm chí còn có nhân sự nhỉnh hơn với các ngoại binh chất lượng, đặc biệt là cặp Artur-Alan vốn đã nổi trội. Tiếc thay, hết Alan rồi Artur chấn thương liên miên làm nhà cựu vô địch hầu như chưa lúc nào thể hiện được phong độ cao nhất.
Thời điểm này, duy nhất Công an Hà Nội FC vẫn còn khả năng đoạt “cú ăn 3”, nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Đây là lý do lãnh đạo cấp trên chỉ giao nhiệm vụ cho đội bóng tập trung vào các mục tiêu cúp Quốc gia và đặc biệt là ngôi vô địch giải Đông Nam Á. Làng bóng đá cùng người hâm mộ cũng mong vậy và gửi gắm niềm tin vào Quang Hải cùng đồng đội trong trận quyết chiến với Makassar trên sân Hàng Đẫy vào ngày 30-4, ở trận bán kết lượt về (Công an Hà Nội FC thua 0-1 ở lượt đi).
THƯỜNG NGUYỄN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/tran-mac-khong-dai-phao-825708