Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom
8 giờ trướcBài gốc
Nhân dân Lào chào đón quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Sách ảnh “Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào”, Nhà xuất bản Thông tấn.
Tháng 11/1972, Tiểu đoàn 31 đặc công Quân khu 4 tiêu diệt BV34 đóng ở Nong Bạt, giải thoát khu tập trung dân ở Noong Léng, huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào). Tàn quân địch rút chạy về Pha Hom âm mưu xây dựng Phân khu 2, lực lượng đặc biệt ngụy Lào ở vùng núi tiếp giáp tỉnh Bolikhămxay – Xiêng Khoảng để tiếp tục đánh phá vùng giải phóng Mường Mày.
Pha Hom là một dãy núi cao 700 – 1.500m, xen giữa những lèn đá dốc hiểm trở nằm ở phía Bắc của huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay, tiếp giáp với vùng Pha Lai, Pha Xinh - là hậu cứ của lực lượng Vàng Pao. Phía Tây Nam địch xây dựng sân bay L19 và trực thăng để tiếp tế cho khu vực cách sân bay 500m về phía đông có lèn Pha Khao cao 1.050m. Trên đỉnh, địch xây dựng sân bay trực thăng, hàng ngày có máy bay lên xuống 2 - 3 lần. Dưới chân lèn Pha Khao về phía Tây Bắc có bản 7 nhà, về phía Bắc có bản 11 nhà – lèn Pha Khao chếch về phía Nam có núi cao 900m và nhiều cây cối, hang động nhỏ. Con đường mòn từ Pha Phiêng ra vùng giải phóng Nọng Leng đi qua chân lèn Pha Khao.
Địch xây dựng Pha Hom thành một cụm điểm tựa án ngữ và bảo vệ mặt Đông Nam của hậu cứ Mường Mộc, nằm sâu trong một vùng núi non hiểm trở, đường ra vào rất khó khăn. Chốt giữ điểm tựa Pha Hom là C25, lực lượng đặc biệt Vàng Pao, chuyên đánh phục kích, đánh lén ở vùng rừng núi; kết hợp với đóng chốt ở cao điểm, luôn được không quân chi viện đắc lực. Quân số có 50 tên, cùng với một số lính bản, không có đồn bốt, công sự phòng ngự kiên cố; trang bị chủ yếu M79, lựu đạn, mìn Claymore.
Riêng trên điểm cao Pha Khao có khoảng một trung đội chốt giữ, có trang bị DKZ57, một cối 81, nhiều khẩu B90, địch lên xuống đỉnh Pha Khao bằng thang dây. Lực lượng địch đóng ở sân bay đêm thường phân tán, ngày cụm lại trên sân bay. Buổi sáng từ 7h30 – 8h, ở các vị trí trú quân, chúng đồng loạt bắn ra xung quanh rồi kéo nhau về sân bay. Hàng ngày có ít nhất 2 -3 chuyến máy bay trực thăng, trước khi đáp xuống sân bay chính, đều đáp xuống đỉnh Pha Khao.
Quanh sân bay chính cả 3 phía Bắc, Tây và Nam có dây thép gai rào sơ sài, kết hợp với rào lông nhím cách quãng 2 -3m, có bao tải đựng đất xếp thành công sự chiến đấu. Dưới sườn núi lẫn trong rừng cây rậm rạp, địch bố trí một hệ thống mìn Claymore và lựu đạn mỏ vịt phòng quân ta tiến công từ dưới chân đồi lên.
Cán bộ, nhân viên Đội Quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Bolikhămxay (Ảnh: Baoquankhu4).
Tham gia trận đánh có Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 với quân số 65 người, trang bị súng tiểu liên AK, B40 và lựu đạn. Được tiểu đoàn chi viện cho một Trung đội hỏa lực có 1 DKZ75, một cối 82 và một trung đội 12 ly 7 của dân quân Hương Khê với 2 khẩu. Những đơn vị tham gia trận đánh đều đã lập được nhiều thành tích chiến công trong chiến dịch. Riêng Đại đội 1 chủ công của Tiểu đoàn 48 đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong chiến đấu. Đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ có tinh thần mưu trí, dũng cảm, hăng hái thi đua lập công.
Chủ trương của trên và nhiệm vụ của đơn vị là tiêu diệt cụm cứ điểm Pha Hom, đập tan âm mưu xây dựng Phân khu 2 của lực lượng đặc biệt ngụy Lào, làm mất chỗ dựa về tinh thần và vật chất, góp phần đẩy nhanh sự tan rã hoàn toàn của bọn phản loạn ở Mường Mày, cùng quân dân bạn ổn định, củng cố vùng giải phóng huyện Mường Mày.
Để thực hiện quyết tâm trên, cách đánh là dùng lực lượng tinh gọn, áp sát mục tiêu, kiên trì mai phục, bí mật, bất ngờ, tấn công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy được phương tiện chiến tranh, nhanh chóng làm chủ căn cứ địch, hạn chế tổn thất của ta.
Đại đội 1 - lực lượng chủ công đánh vào sân bay đã được chi bộ ban hành nghị quyết, có kế hoạch chiến đấu cụ thể. Từ xác định con đường hành quân, phương án hợp đồng tác chiến cho các mũi, các hướng tiến công, cho đến công tác trinh sát, nắm chắc tình hình địch. Một vấn đề được thảo luận kỹ trong chi bộ, trong hội nghị quân chính, diễn đàn thanh niên là thực hiện cho được ý đồ chiến thuật “Kiên trì mai phục, bí mật bất ngờ tấn công địch táo bạo giữa ban ngày”. Trong đó xác định: Cán bộ, chiến sĩ không chỉ có quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, có thể phải chịu những tổn thất hy sinh một bộ phận để giữ được yếu tố bí mật.
Là lực lượng chủ công, Đại đội 1 được chia thành 3 bộ phận chính. Trong đó, lực lượng đánh địch ở sân bay gồm 10 đồng chí do đồng chí Trần Hữu Tiếp – Trung đội trưởng Trung đội 1 chỉ huy. Lực lượng này chia 3 tổ, mỗi tổ 3 đồng chí trang bị một người một súng AK và 5 quả lựu đạn. Riêng tổ 1 do đồng chí Tiếp trực tiếp chỉ huy được trang bị thêm một B40 và một quả mìn Claymore điều khiển bằng pin. Nhiệm vụ của tổ 1 tấn công hướng Bắc vào sân bay, tổ 2 tiến công từ hướng Tây Nam, sau đó tổ 1 và 2 có nhiệm vụ chốt chặn địch chạy vào rừng và đánh địch phản kích từ hướng Tây đến. Tổ 3 tiến công từ hướng Nam vào sân bay, sau đó phát triển, tiêu diệt địch ở bản 7 nhà, chốt chặn địch chạy về hướng Pha Phiêng và bao vây Pha Khao ở hướng Bắc.
Đại bộ phận lực lượng còn lại của đại đội ém sẵn ở cánh rừng phía Đông Nam sân bay, có nhiệm vụ phối hợp với tổ 3 diệt địch ở bản 7 nhà, đánh địch phản kích ở bản 11 nhà và địch ở Pha Khao xuống, bao vây Pha Khao ở hướng Tây Tây Nam. Lực lượng dự bị gồm 1 tiểu đội lót sẵn ở cánh rừng phía Nam có nhiệm vụ trực tiếp chi viện cho lực lượng đánh địch ở sân bay khi khó khăn, khi trận đánh thuận lợi chuyển sang bao vây Pha Khao ở hướng Nam và Đông Bắc.
Lực lượng hỏa lực của tiểu đoàn với nhiệm vụ kiềm chế hỏa lực địch trên điểm cao 1.050m và chi viện cho bộ binh. Khi ta gặp khó khăn, địch dùng hỏa lực và phản kích từ 2 bản đánh ra sân bay thì dùng hỏa lực bắn vào sân bay, chi viện cho bộ binh.
Trận đánh vào sân bay Pha Hom diễn ra đúng với kế hoạch, 2 giờ ngày 22 tháng 12, các mũi, các hướng đã nhập đến vị trí chiếm lĩnh và giữ được bí mật an toàn. 10h15 phút, một máy bay trực thăng đổ xuống đỉnh Pha Khao, sau đó đổ xuống cuối đường băng về hướng Đông Bắc, không đúng với phương án tác chiến, tổ 1 không nổ súng, kiên trì mai phục.
12h15 phút, một máy bay trực thăng đáp xuống sân bay cách vị trí mai phục của tổ 1 khoảng 15m, được lệnh đồng chí Phong lao lên dùng B40 bắn vào máy bay địch. Quả đạn vọt qua thân máy bay, không bỏ lỡ thời cơ, đồng chí Tiếp tung ngay quả lựu đạn vào cửa máy bay và điểm hỏa quả mìn Claymore phá hủy động cơ, diệt tổ lái và tên đại úy chỉ huy phó phân khu 2.
Cùng lúc, các mũi lao lên dùng lựu đạn và súng AK bắn vào quân địch đang hoảng loạn tìm nơi ẩn nấp, tiếng cối 82, DKZ 75, 12 ly 7 nổ dồn dập theo hiệp đồng. Bị tiến công bất ngờ, quân địch hoảng loạn, không kịp phản ứng, nháo nhác chạy vào các cánh rừng xung quanh.
Trận đánh Pha Hom diễn ra rất nhanh chóng, sau đó phía ta đã hoàn toàn làm chủ sân bay. Bị đánh đau và bất ngờ, 20 phút sau khi ta nổ súng, địch cho máy bay trực thăng đến cứu viện nhưng mất liên lạc với mặt đất. Tiếp đó, địch cho AD6 và máy bay phản lực đến ném bom cháy, bom bi, bắn rốc két, 20 ly vào các cánh rừng xung quanh.
Trận đánh vào cứ điểm Pha Hom ta đã phá hủy 1 máy bay lên thẳng, diệt tại chỗ 25 tên địch, bị thương 15 tên, thu 1 DKZ57, 1 cối 81, 1 máy RPC25, nhiều khẩu B90 và đạn, 100 quả mìn Clay more, hơn 3 tấn lương thực. Ta có 2 đồng chí hy sinh và 2 đồng chí bị thương.
Trận tập kích táo bạo giữa ban ngày vào cứ điểm Pha Hom là trận đánh xuất sắc, là chiến công vang dội chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Huân chương chiến công hạng nhất mà Nhà nước ta tặng cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 là sự ghi công xứng đáng, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục vươn lên lập công, xứng đáng là đơn vị chủ công của tiểu đoàn.
Thượng tá Phạm Tùng Mậu
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/tran-tan-cong-tao-bao-dung-manh-vao-san-bay-pha-hom-post279301.html