Trăn trở từ vụ thi hành án 'căn nhà có cửa sắt màu xanh' và ông già nghèo 'không muốn nhà xấu xí trong tay người khác'

Trăn trở từ vụ thi hành án 'căn nhà có cửa sắt màu xanh' và ông già nghèo 'không muốn nhà xấu xí trong tay người khác'
4 giờ trướcBài gốc
Tôi nhớ mãi buổi sáng tháng Tư, trời không mưa nhưng u ám lạ thường. Đó là ngày chúng tôi thực hiện cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là căn nhà và quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Bảy – một vụ thi hành án dân sự kéo dài hơn hai năm trời.
Căn nhà cấp 4 nằm trong một con hẻm nhỏ, có cánh cửa sắt sơn màu xanh đã bong tróc. Bản án tuyên buộc ông Bảy phải trả nợ hơn 400 triệu đồng do vay của một người bà con nhưng không có khả năng chi trả. Sau nhiều lần thuyết phục tự nguyện thi hành không thành, Chi cục buộc phải thực hiện cưỡng chế kê biên xử lý tài sản và bán đấu giá căn nhà duy nhất của ông để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án.
Hôm đó, ông Bảy đứng giữa sân, tay run run cầm điếu thuốc, mắt dán vào từng bước chân của các thành viên đoàn cưỡng chế kê biên tài sản. Bà vợ ông thì khóc không thành tiếng, còn đứa cháu nhỏ ngồi trên bậc thềm ngơ ngác nhìn mọi người như không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Ảnh minh họa
Tôi là chấp hành viên được phân công tổ chức vụ việc này. Trước ngày cưỡng chế kê biên tài sản, tôi đã năm lần xuống vận động, thuyết phục, tìm cách tháo gỡ với tinh thần vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng. Nhưng Bản án đã có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án không đồng ý cho hoãn thi hành án, còn ông Bảy thì hoàn toàn không có tài sản khác để thi hành án.
Sau khi hoàn tất việc kê biên, dán niêm phong tài sản, ông Bảy kéo tôi ra một góc, nói nhỏ: "Cô Đoan, tôi biết pháp luật phải thực hiện, tôi không trách cô. Nhưng nhà này do cha tôi để lại, tôi giữ mấy chục năm rồi, giờ mất... thấy nghẹn trong lòng".
Tôi chỉ biết gật đầu vì tôi biết rằng trong lúc này không một lời an ủi nào có thể xoa dịu được cảm giác mất mát đó. Sau khi kê biên, toàn bộ tài sản được đưa ra bán đấu giá. Dù định giá chỉ hơn 600 triệu nhưng cuối cùng chỉ có một người trả một bước giá tối thiểu.
Điều khiến tôi ám ảnh nhất là ngày bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá tài sản, ông Bảy đứng trước cánh cửa sắt màu xanh, lấy một lọ sơn cũ từ góc tường, run run sơn lại từng nét: "Nhà không còn là của tôi nữa, nhưng tôi không muốn nó xấu xí trong tay người khác..."
Tôi quay đi, không dám nhìn ông Bảy thêm. Nghề thi hành án không cho phép cảm xúc lấn át lý trí. Nhưng đôi khi, có những khoảnh khắc khiến tôi phải tự hỏi: "Làm sao để công lý thực thi nhưng vẫn không bỏ lại phía sau những mảnh đời đang chới với".
Cưỡng chế kê biên tài sản – với người ngoài cuộc chỉ là một thủ tục nhưng với người trong cuộc, là một biến cố đời người. Làm thi hành án dân sự, chúng tôi không thể mềm lòng quá mức, nhưng cũng không thể làm việc như cái máy. Đó là cái khó – cái nghề – và cái nhân bản mà người Chấp hành viên luôn phải giữ lấy.
Đoàn Thị Đoan
Chấp hành viên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/tran-tro-tu-vu-thi-hanh-an-can-nha-co-cua-sat-mau-xanh-va-ong-gia-ngheo-khong-muon-nha-xau-xi-trong-tay-nguoi-khac-post548616.html